1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine nâng cấp sát thủ từng đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, họ sẽ có một loại tên lửa chống hạm Neptune mới và cải tiến, nhưng mọi chi tiết về sửa đổi vẫn được giữ bí mật.

Ukraine nâng cấp sát thủ từng đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga - 1

Tổ hợp tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine khai hỏa (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Ukraine công khai dự án nâng cấp tên lửa từng đánh chìm soái hạm Nga

Kyiv Post đưa tin, Ukraine đang nghiên cứu phiên bản nâng cấp của tên lửa sát thủ đã đánh chìm tàu tuần dương Moskva của hải quân Nga, từng là tàu chiến mạnh nhất, tức soái hạm trên Biển Đen.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Havrylyuk cho biết các nhà khoa học quân sự đã bắt đầu công việc nghiên cứu và phát triển trong một dự án bí mật trước đây nhằm mục đích chế tạo tên lửa có tên Long Neptune hay có thể hiểu là phiên bản Neptune tăng tầm.

"Chúng tôi hiện đang nghiên cứu Long Neptune, một phiên bản nâng cấp mới của tên lửa dành cho tổ hợp tên lửa bờ Neptune", tướng Havrylyuk nói trong một cuộc phỏng vấn với ArmyInform.

Ông cho biết các thông số kỹ thuật và cải tiến của tên lửa mới cũng như tiến độ phát triển là bí mật quân sự.

Kyiv Post đã đề nghị được cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan đến tuyên bố của Thứ trưởng Havrylyuk và tình trạng phát triển Long Neptune, từ Văn phòng Báo chí của Bộ Quốc phòng và nhà sản xuất tên lửa Neptune, công ty cổ phần Ukroboronprom (Công nghiệp Quốc phòng Ukraine). Cả hai đều từ chối bình luận với lý do cần bảo vệ bí mật nhà nước.

Vào tháng 4, một nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Ukraine đã thông báo cho War Zone về những nỗ lực đang diễn ra nhằm sửa đổi tên lửa chống hạm Neptune cho các mục tiêu trên mặt đất.

Bình luận của Havrylyuk với ArmyInform đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Ukraine xác nhận nỗ lực nâng cấp Neptune đang thực sự được tiến hành và công khai tên của loại vũ khí mới.

Các trang tin tức của Ukraine đưa tin về việc hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf hàng đầu của Nga bị phá hủy ở Crimea vào ngày 23/8, bởi một hệ thống tên lửa "được phát triển trong nước" mà loại cụ thể không được các nguồn chính thức xác định.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, vào thời điểm đó tuyên bố trên Twitter/X rằng một tên lửa mới của Ukraine đã phá hủy bệ phóng tên lửa S-400 Triumf của Nga ở Olenivka, Crimea.

Sau cuộc tấn công đó, nhà báo Ukraine Yury Butusov cho rằng một quả tên lửa Neptune chống hạm được sửa đổi để tấn công trên mặt đất có thể là nguyên nhân.

Ukraine nâng cấp sát thủ từng đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga - 2

Các xe thành phần trong tổ hợp tên lửa bờ Netune của Ukraine (Ảnh: Navalnews).

Uy lực của tên lửa mới

Tên lửa Neptune là vũ khí được phát triển trong nước lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2021. Vụ sử dụng Neptune trong thời chiến ngoạn mục nhất cho đến nay diễn ra vào ngày 14/4/2022, khi một cặp Neptune tấn công và đánh chìm soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga trong một cuộc giao tranh gần Đảo Zmiinyi.

Trong các báo cáo gần đây, các phương tiện truyền thông liên quan đến quốc phòng Ukraine, bao gồm Defense Express và Militarnyi, cho rằng Ukraine có thể đang cố gắng hoán cải tên lửa R-360 Neptune để tấn công các mục tiêu mặt đất. Nhiều khả năng, tên lửa Neptune sau cập nhật sẽ được bắn từ cùng một bệ phóng gắn trên xe tải như trước đây, các báo cáo cho biết.

Theo các nguồn tin này, tầm bắn dự kiến của tên lửa đất đối đất Neptune mới, được sửa đổi, dự kiến sẽ đạt tới 400km, tăng đáng kể so với 300km của phiên bản chống hạm.

Đầu đạn của tên lửa sẽ có sức mạnh tăng gấp đôi nhờ trọng lượng chất nổ mang theo từ 150kg tăng lên tới tới 350kg, nhưng những thông số kỹ thuật đó vẫn còn trên bản vẽ, các báo cáo cho biết.

Defense Express suy đoán rằng nguồn tài trợ cho dự án Neptune tăng tầm và những sửa đổi hiện đang diễn ra sẽ đến từ khoản đầu tư trị giá 175 tỷ Hr (4,8 tỷ USD) dành cho "vũ khí tên lửa và đạn dược" trong ngân sách nhà nước Ukraine vào năm tới.

Theo War Zone, Neptune mới sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS dẫn tên lửa tới mục tiêu định trước, ngược lại với phiên bản chống hạm sử dụng dẫn đường quán tính để bay đến khu vực chung của tàu, sau đó đầu dò radar trên ở mũi tên lửa sẽ bật để tự tìm kiếm và giúp nó công kích vào tàu đối phương.

Trong phiên bản đất đối đất của Neptune, War Zone báo cáo, khi hệ thống GPS đưa tên lửa đến gần mục tiêu mặt đất, ở pha cuối, hệ thống dẫn đường hồng ngoại sẽ bật để quét mặt đất bên dưới nó và giúp tên lửa hướng tới các vật thể phù hợp với tham số mục tiêu được lập trình sẵn.

Báo cáo cho biết, Neptune trên đất liền sẽ có thể hủy bỏ cuộc tấn công nếu các vật thể được xác định mà hệ thống dẫn đường hồng ngoại quan sát không khớp với cấu hình mục tiêu được lập trình sẵn đã chỉ định.

Militarnyi nhấn mạnh rằng mặc dù hệ thống tên lửa bờ Neptune ban đầu được thiết kế cho khoảng cách bay tối đa là 360km nhưng việc tăng tầm bắn của nó là tương đối dễ dàng.

Bài báo cho biết tên lửa được đẩy bằng động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu dầu hỏa MC-400, vì vậy tầm bay có thể được mở rộng bằng cách mở rộng thùng nhiên liệu bên trong hoặc bổ sung thêm thùng nhiên liệu bên ngoài.

Tạp chí quân sự Bulgarianmilitary trong một bài báo gần đây đã nhấn mạnh thách thức trong việc chuyển đổi tên lửa hành trình chống hạm để sử dụng chống lại các mục tiêu trên mặt đất. Bài báo cho biết việc chuyển đổi như vậy sẽ không dễ dàng, nhưng Ukraine có đủ khả năng kỹ thuật để thực hiện việc đó nếu có đủ nguồn lực.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm