1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine muốn chế tạo lá chắn phòng không ngang tầm Patriot của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine cho rằng nước này có khả năng chế tạo ra hệ thống phòng không và kỳ vọng nó có thể ngang với lá chắn Patriot do Mỹ sản xuất.

Ukraine muốn chế tạo lá chắn phòng không ngang tầm Patriot của Mỹ - 1

Một hệ thống Patriot (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Ukraine đang phát triển hệ thống phòng không của riêng mình với khả năng tương đương với tổ hợp Patriot của Mỹ, Tổng tư lệnh trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết trong bài trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Ukraine TSN được phát sóng vào tối ngày 19/1.

Người dẫn chương trình cho rằng, nếu Ukraine có đủ tên lửa đánh chặn cho hệ thống Patriot, nước này có thể đã bảo vệ được Nhà máy nhiệt điện Trypillia khỏi cuộc tấn công của Nga, và bày tỏ hy vọng rằng các đồng minh của Ukraine sẽ "chứng tỏ mình là những đồng minh thực sự".

Đáp lại, ông Syrskyi cho biết: "Tôi đồng ý với bạn ở một điểm. Mặt khác, bạn biết rằng trong thời kỳ Liên Xô, Ukraine thực tế là đã sản xuất tất cả hệ thống điều khiển cho các tổ hợp tên lửa phòng không. Vì vậy, chúng ta có khả năng và năng lực để tạo ra những hệ thống như vậy, và công việc đang được tiến hành để phát triển hệ thống phòng không nội địa của Ukraine".

Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là Ukraine có thể sản xuất hệ thống tương đương với Patriot không, ông Syrskyi trả lời: "Tôi hy vọng nó sẽ có hiệu suất tương đương với hệ thống Patriot".

Ông Syrskyi cho biết mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới của Nga, Oreshnik, là động lực mạnh mẽ để Kiev sản xuất hệ thống phòng không của riêng mình.

Ông cho rằng, trên thế giới, chỉ có một số ít hệ thống phòng không có thể đẩy lùi Oreshnik và Ukraine vẫn chưa sở hữu những khả năng này.

"Điều này khuyến khích chúng tôi tạo ra hệ thống phòng không của riêng mình, không chỉ là hệ thống phòng không mà còn là hệ thống chống tên lửa", ông nói.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, Ukraine đặt mục tiêu chi kỷ lục 35 tỷ USD cho sản xuất vũ khí vào năm 2025. Chính phủ Ukraine dự định chi 17 tỷ USD, trong khi phần còn lại có thể được tài trợ bởi các đồng minh.

Mặt khác, Syrskyi cho rằng, Nga đã giảm gần một nửa năng lực sử dụng đạn dược khi cuộc chiến tiêu hao đã kéo dài tới năm thứ 3.

Theo ông, việc Ukraine tăng cường các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhằm làm suy yếu khả năng chiến đấu của Moscow trong cuộc chiến.

"Trong vài tháng qua, tỷ lệ sử dụng đạn dược pháo binh của quân đội Nga đã giảm gần như một nửa. Nếu trước đây con số này đạt tới 40.000 viên đạn mỗi ngày, thì hiện nay con số này thấp hơn đáng kể", ông Syrskyi cho biết khi được hỏi về tác động của các cuộc tấn công của Ukraine đối với chuỗi cung ứng quân sự của Nga.

Các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga nhắm vào "các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất đạn dược, các bộ phận tên lửa, hoặc các sản phẩm lưỡng dụng", ông Syrskyi cho biết, đồng thời cho biết các nhà máy lọc dầu thường xuyên là mục tiêu quân sự của Ukraine.

Ukraine thường xuyên tấn công các kho đạn dược của Nga nhằm làm chậm các hoạt động tiếp viện của đối thủ trên mặt trận.

Mặc dù thường xuyên bị quân đội Nga vượt trội về hỏa lực kể từ khi chiến tranh toàn diện bắt đầu, Ukraine vẫn đã đạt được tiến bộ trong sản xuất vũ khí, với việc nước này sản xuất khoảng 33-34% nhu cầu vũ khí hàng năm, tăng từ dưới 10% trước khi cuộc chiến diễn ra. Châu Âu và Mỹ cung cấp hơn 60% vũ khí cho Ukraine, mỗi bên chiếm khoảng 30%.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine