1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine lên tiếng về đề xuất nhượng bộ lãnh thổ để dừng xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng phản hồi sau khi một nghị sĩ Đức đề xuất cho Kiev phương án nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy lệnh ngừng bắn với Nga.

Ukraine lên tiếng về đề xuất nhượng bộ lãnh thổ để dừng xung đột với Nga - 1

Hệ thống pháo của lực lượng Ukraine khai hỏa ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

"Nếu Ukraine chấp nhận tạm thời mất lãnh thổ, quân đội Nga sẽ càng tiến gần hơn về phía Đức, đặc biệt là Saxony", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko tuyên bố hôm 27/12.

Bình luận của ông Nikolenko được đưa ra sau khi nghị sĩ Đức Michael Kretschmer, thủ hiến bang Saxony, đề xuất chính phủ Ukraine tạm thời nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy lệnh ngừng bắn với Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh, việc nhượng bộ lãnh thổ Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến hành động gây hấn lớn hơn của Nga và vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Ông cũng cho biết, những nỗ lực đàm phán với Nga đã được thực hiện nhưng thất bại.

"Chúng tôi kêu gọi chính trị gia Đức đối mặt với sự thật: đầu tiên, Thủ tướng Angela Merkel, và sau đó là Thủ tướng Olaf Scholz, đã thực hiện những nỗ lực chính trị to lớn để thuyết phục (Tổng thống Nga Vladimir) Putin dừng chiến tranh. Nhưng điều đó không giúp ích gì. Cũng giống như bất kỳ sự nhượng bộ nào khác, điều đó không hiệu quả", ông Nikolenko tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh con đường dẫn tới hòa bình ở châu Âu nằm ở việc Nga bị đánh bại trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông cũng kêu gọi Đức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn nữa để đẩy lùi Nga.

Trong khi đó, nghị sĩ Kretschmer cũng cho rằng Đức cần có sự thay đổi trong chính sách đối với Nga.

"Nga là láng giềng của chúng tôi. Một nước láng giềng khó đoán. Ý tưởng làm suy yếu Nga về quân sự, chính trị và kinh tế để nước này không còn khả năng gây ra mối đe dọa cho chúng tôi là quan điểm đã có từ thế kỷ 19. Nó đặt nền móng cho những xung đột tiếp theo", nghị sĩ Đức cho biết.

Ông Kretschmer trước đây từng bị chỉ trích vì những bình luận về liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, như việc ông công khai kêu gọi đóng băng cuộc xung đột vào tháng 8 năm ngoái.

Công chúng Ukraine nhìn chung phản đối ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) công bố vào ngày 14/12 cho thấy 74% số người được hỏi cho biết họ phản đối bất kỳ hình thức nhượng bộ lãnh thổ nào.

Các quan chức Mỹ cũng phủ nhận việc họ sẽ tìm cách gây áp lực buộc Ukraine phải đạt được một thỏa thuận hòa bình với những điều kiện bất lợi cho Kiev.

Nga nói Ukraine không có ý chí hòa bình

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 27/12 cho biết chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có ý chí để đạt được hòa bình với Nga.

"Chúng ta phải xác định rằng chính quyền Zelensky không có bất kỳ ý chí hòa bình nào. Các đại diện của họ đang suy nghĩ về các điều khoản chiến tranh, sử dụng những lời lẽ khá hung hăng. Bất kỳ sự ngừng chiến nào đều không thể xảy ra", ông Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với Tass.

"Lệnh cấm tổ chức các cuộc đàm phán với lãnh đạo Nga do ông Zelensky đưa ra vào ngày 30/9/2022 vẫn còn hiệu lực. Hãy tự rút ra kết luận", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh phía Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Ukraine "đã công khai tuyên bố rời khỏi quá trình đàm phán" vào mùa xuân năm 2022.

Trước đó, ông Lavrov cho rằng, Kiev càng trì hoãn đàm phán thì càng khó đạt được thỏa thuận. Theo Ngoại trưởng Nga, bước đầu tiên trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nên là dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán của Tổng thống Zelensky.

Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Theo Kyiv Independent, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm