1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine "khoe" kỹ năng bay áp sát mặt đất của phi công tiêm kích

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Ukraine đăng tải đoạn video ghi lại cảnh phi công điều khiển tiêm kích MiG-29 phô diễn kỹ năng bay áp sát mặt đất ở khoảng cách rất gần.

Không quân Ukraine ngày 29/11 đăng đoạn video ghi lại cảnh tiêm kích MiG-29 bay ở độ cao cực thấp, gần như ôm mặt đất, trước khi lao vọt trên trời.

Business Insider đánh giá đây là một động tác đầy thách thức với phi công lái máy bay chiến đấu vì mức độ nguy hiểm khi điều khiển tiêm kích thấp như vậy. Không quân Ukraine không lý giải vì sao chiếc MiG-29 lại thực hiện cú bay sát mặt đất.

Ukraine "khoe" kỹ năng bay áp sát mặt đất của phi công tiêm kích (Video: Không quân Ukraine).

Kỹ năng bay tầm thấp được xem là thiết yếu với phi công Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Trước một đối thủ vượt trội về năng lực không quân và sở hữu hàng loạt hệ thống phòng thủ tiên tiến, trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu, Ukraine không còn lựa chọn nào khác là phải bay thấp, sát mặt đất để tránh bị radar đối phương dò ra, giảm thiểu nguy cơ bị tên lửa đất đối không bắn trúng.

Guy Snodgrass, cựu phi công hải quân Mỹ, nói với Business Insider về chiến thuật bay thấp: "Ở độ cao rất thấp, bạn có thể che địa hình, khiến radar hoặc các hệ thống khác khó phát hiện ra bạn. Và nếu radar phát hiện ra bạn, khoảng thời gian để chúng phản ứng sẽ ít hơn nhiều so với việc bay cao".

Bay tầm thấp mang lại lợi thế nhưng cũng là nước đi đầy rủi ro. Tuy nhiên, động tác bay thấp như chiếc tiêm kích MiG-29 trong đoạn video nói trên không thường xuyên xảy ra vì mức độ nguy hiểm tương đối lớn.

Theo Snodgrass, bay thấp đòi hỏi một số kỹ năng nhất định. "Bay tầm thấp không hẳn là khó hơn, mặc dù nó tốn nhiều công sức hơn và đòi hỏi sự tập trung cao hơn. Phần lớn thời gian được dành để tập trung vào bay bám vào địa hình, điều này làm giảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác như quét radar, trao đổi vô tuyến hoặc để điều hướng", ông nói.

Ở độ cao lớn hơn, phi công có nhiều thời gian hơn để phản ứng và có thể dễ dàng hơn để tránh việc vô tình đâm máy bay họ điều khiển xuống đất.

"Bay ở độ cao thấp hơn khiến đối phương khó phát hiện và giao chiến với máy bay hơn, nhưng nó cũng có khả năng khiến máy bay có nguy cơ gặp sự cố cao hơn", Snodgrass cho hay.

Cuộc chiến hơn 21 tháng giữa Nga và Ukraine chứng kiến sự vượt trội của Moscow trước Kiev về tiềm lực không quân. Cựu chỉ huy NATO James Jones nhận định chiến dịch phản công của Ukraine bị cản trở một phần do lép vế hơn Nga về sức mạnh không quân.  

Mặc dù vậy, Tướng James Hecker, người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu chỉ ra nguyên nhân Không quân Ukraine vẫn có thể tác chiến trước lực lượng áp đảo của Nga về tiềm lực và trang bị. 

Theo ông, một trong những lý do có thể kể đến là Nga chưa tìm kiếm và tấn công mục tiêu không quân của Kiev hiệu quả khiến Moscow không thể loại bỏ toàn bộ phi đội của Ukraine.

Khi chiến sự nổ ra, Nga đã nỗ lực tấn công vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó có các căn cứ không quân, nhằm phá hủy tiềm lực quân sự của Ukraine.

Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ về mặt thông tin tình báo của NATO trước khi một số vụ tấn công của Nga diễn ra.

Nhờ vậy, Ukraine đã có thể di tản một số phi cơ tới các sân bay nhỏ, đường băng dã chiến để tránh các vụ tấn công ồ ạt của Nga vào căn cứ Không quân chính của Kiev. Khi tham chiến, phi cơ Ukraine thường bay từ tầm rất thấp tới tầm thấp để tránh bị phòng không Nga bắn rơi.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine