1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sẽ dùng "vũ khí không thuốc súng" đối phó tiêm kích F-16 Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga đang chuẩn bị cho loại vũ khí mà họ dự kiến sẽ sử dụng để đối phó với Ukraine khi phương Tây chuyển các tiêm kích F-16 cho Kiev.

Nga sẽ dùng vũ khí không thuốc súng đối phó tiêm kích F-16 Ukraine - 1

Một tiêm kích F-16 (Ảnh: AP).

Một nguồn thạo tin nói với Sputnik rằng quân đội Nga đang tối ưu hóa các hệ thống tác chiến điện tử để nhắm mục tiêu vào các máy bay F-16 mà phương Tây dự kiến chuyển cho Ukraine trong thời gian tới.

Nguồn tin cho biết: "Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga được sử dụng trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ được tối ưu hóa để ngăn chặn radar và thiết bị trên máy bay chiến đấu F-16 của NATO mà các nước phương Tây dự định cung cấp cho Kiev".

"Dựa trên những gì Nga nắm được về hệ thống điện tử hàng không trên máy bay chiến đấu tiền tuyến của NATO, việc ngăn chặn chúng sẽ dễ dàng hơn so với các máy bay do Liên Xô thiết kế đang có trong kho của Ukraine", nguồn tin nói.

Tháng trước, Sputnik dẫn nguồn tin nói rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã thành công trong việc buộc các tiêm kích Ukraine phải từ bỏ nhiệm vụ chiến đấu và quay trở lại căn cứ do bị gây nhiễu từ các hệ thống tác chiến điện tử di động trên mặt đất.

Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy có kế hoạch chuyển giao tối đa 71 chiếc F-16 cho Không quân Ukraine sớm nhất là vào năm 2024. Hoạt động đào tạo phi công Ukraine bắt đầu ở Đan Mạch và Mỹ trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu, Tướng James B. Heckler hồi tháng 8 đã cảnh báo rằng việc để các phi công Ukraine có đủ trình độ thành thạo điều khiển F-16 có thể phải mất 4-5 năm.

Điều đó có nghĩa là khi Ukraine nhận F-16, tiêm kích này có thể giúp ích cho Kiev, nhưng đây không phải là "viên đạn bạc" có thể thay đổi cuộc chơi.

Nga được xem là cường quốc hàng đầu về tác chiến điện tử. Trước đó, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuri Inhat cho rằng, một lý do Ukraine phản công chậm là Nga có lợi thế đáng kể trong tác chiến điện tử.

"Thật đáng tiếc, Nga đã đi trước chúng ta rất xa về lĩnh vực này. Bạn không cần phải bắn hạ máy bay không người lái bằng tên lửa hoặc súng phòng không. Bạn có thể đơn giản buộc nó hạ cánh, đánh chặn nó bằng tác chiến điện tử", ông Inhat cho biết.

"Nga hiện nay sở hữu những hệ thống mạnh mẽ có thể can thiệp vào công việc của các lực lượng quốc phòng của chúng ta. Họ có đủ các hệ thống này. Ukraine đã đạt được tiến bộ trong tác chiến điện tử, nhưng chúng tôi bắt đầu muộn, lẽ ra chúng ta nên phát triển (lĩnh vực này) sớm hơn", ông Inhat nói.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.

Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.

Tại Ukraine, Nga được cho sử dụng các tổ hợp tác chiến điện tử như Krasukha-2, Krasukha-4, RB-341V LEER-3, R-330Zh Zhitel, Murmansk-BN và Moskva-1. Chúng có thể gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh radar, vô tuyến, liên lạc ở các tần số khác nhau.

Theo Sputnik