1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine gặp bài toán khó khi phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, tốc độ vận chuyển vũ khí của phương Tây đang nhanh hơn tốc độ quân nhân Ukraine học cách sử dụng các khí tài, đặt Kiev vào thế khó trong cuộc đối đầu với Nga.

Ukraine gặp bài toán khó khi phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí - 1

Quân nhân Ukraine bên cạnh một hệ thống vũ khí (Ảnh: New York Times).

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 100 ngày trước, các nước NATO đã nâng cấp kho vũ khí chủ yếu từ thời Liên Xô cũ của Kiev bằng các khí tài hiện đại, tinh vi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc huấn luyện quân nhân sử dụng các khí tài đang trở thành một trở ngại ngày càng lớn đối với Ukraine, và họ có thể bỏ lỡ thời cơ để phản công lại Nga chỉ vì binh sĩ của họ chưa thể dùng thành thạo các vũ khí phương Tây.

Trung sĩ Ukraine Dmytro Pysanka và đồng đội của anh đã gặp phải tình huống như vậy khi họ được giao một thiết bị hiện đại để hỗ trợ tác chiến cho một khẩu pháo chống tăng cũ kỹ ở Nam Ukraine.

Trước đó, để ngắm bắn chính xác, Pysanka phải đọc hàng loạt chỉ số để tùy chỉnh. Cách này có nhiều rủi ro vì các quân nhân Ukraine có thể đọc sai số trong tình hình chiến sự hỗn loạn.

Hơn một tháng trước, chỉ huy của Pysanka giao cho anh và đồng đội một thiết bị hiện đại hơn nhiều: Thiết bị đo khoảng cách bằng laser do phương Tây cung cấp để giúp việc nhằm mục tiêu chính xác hơn.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Không một ai biết sử dụng vũ khí này.

"Giống như là chúng tôi được giao một chiếc iPhone 13 và chỉ biết dùng nó để gọi điện vậy", Pysanka thừa nhận.

Thiết bị đo khoảng cách tên là JIM LR, trông giống ống nhòm và do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Nó dường như là thiết bị phụ trợ hoàn hảo cho khẩu pháo cũ kỹ mà Pysanka đang sử dụng, vốn được chế tạo từ năm 1985. JIM LR có thể định vị mục tiêu trong đêm, truyền về dữ liệu khoảng cách, định vị, hướng la bàn. Một số quân nhân đã cố gắng học cách sử dụng nó, nhưng đã sau đó đã được chuyển đi nơi khác tác chiến, bỏ lại cho đơn vị của Pysanka một thiết bị mà họ không biết dùng.

"Tôi đã cố học nó bằng cách đọc hướng dẫn bằng tiếng Anh rồi dùng Google dịch để hiểu nội dung", ông Pysanka cho biết.

Thách thức lớn

Ukraine gặp bài toán khó khi phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí - 2

Một khẩu pháo của Ukraine trên tiền tuyến (Ảnh: New York Times).

Giao tranh ở miền Đông Ukraine đang diễn ra dữ dội khi 2 bên giằng co nhau từng khu vực. Nga với ưu thế áp đảo về hỏa lực đang giành được lợi thế trên chiến trường trước Ukraine.

Kiev đã liên tục kêu gọi phương Tây gửi các vũ khí thay đổi cuộc chơi, trong đó có hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) để đối phó với đà tiến của Moscow.

Nhưng ngoài nhu cầu về số lượng vũ khí, quân nhân Ukraine cũng rất cần học cách sử dụng chúng. Nếu thiếu sự huấn luyện bài bản, kịch bản như đơn vị của Pysanka sẽ lặp lại. Các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ có thể lặp lại kịch bản ở Afghanistan khi cấp cho quân đội nước này những vũ khí mà không thể duy trì nếu thiếu đi hỗ trợ lớn về mặt hậu cần.

"Ukraine rất sẵn sàng triển khai vũ khí phương Tây nhưng họ cũng cần phải được huấn luyện để duy trì việc sử dụng", chuyên gia quân sự Michael Kofman từ tổ chức CNA (Mỹ), nhận định.

Mỹ và các nước NATO đã bắt đầu huấn luyện cường độ cao quân nhân Ukraine nhiều năm trước khi chiến sự diễn ra, dù không phải là với các thiết bị quân sự hiện đại mà họ đang gửi. Từ năm 2015 tới nay, Mỹ đã huấn luyện hơn 27.000 quân nhân Ukraine ở trung tâm Yavoriv, Lviv. Có 150 cố vấn quân sự Mỹ ở Ukraine khi Nga mở chiến dịch quân sự, nhưng giờ họ đã rút hết.

Kể từ đầu chiến sự, Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraine 54 tỷ USD và cấp hàng loạt vũ khí và thiết bị hiện đại. Nhưng để tránh đối đầu với Nga, Mỹ từ chối việc đưa trở lại Ukraine các cố vấn quân sự để giúp huấn luyện binh sĩ Kiev. Ukraine hiện đang phải phụ thuộc vào chương trình huấn luyện đặt ngoài nước này.

Điều này đã đặt áp lực rất lớn lên quân nhân Ukraine, giống như Andriy Mykyta, binh sĩ lực lượng biên phòng Ukraine. Trước xung đột, Mykyta đã được NATO huấn luyện sử dụng tên lửa chống tăng của Anh NLAW.  

Giờ đây, Mykyta phải ra chiến trường để huấn luyện các đồng đội cách sử dụng tên lửa này. Trong một số trường hợp, binh sĩ Ukraine phải học qua video trực tuyến.

"Có những vũ khí bạn không thể học bằng trực giác như tên lửa đất đối không, pháo và một số thiết bị. Chúng tôi cần những khóa huấn luyện chính thức", Mykyta nói.

Với đơn vị của trung sỹ Pysanka, người duy nhất biết sử dụng thiết bị JIM LR là một binh sĩ từ đơn vị khác chuyển tới. Người này đã quyết định dịch 104 trang hướng dẫn từ tiếng Anh sang tiếng Ukraine. Tuy nhiên, các quân nhân vẫn cần thời gian để tìm hiểu cặn kẽ chức năng của các tổ hợp phím.

Ngoài ra, theo New York Times, một vấn đề khác Ukraine phải đối mặt là việc bảo dưỡng, tinh chỉnh các vũ khí phương Tây gửi. Thách thức này có thể khiến các vũ khí NATO hoạt động thiếu hiệu quả trong tác chiến.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine