1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Nga chỉ ra vũ khí lợi hại nhất của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các hệ thống pháo phản lực do phương Tây cung cấp có thể coi là vũ khí uy lực nhất mà Ukraine được viện trợ từ trước đến nay và có thể xoay đổi cục diện xung đột với Nga.

Chuyên gia Nga chỉ ra vũ khí lợi hại nhất của Ukraine - 1

Một hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS (Ảnh: Wikimedia).

"Trong số các khí tài mà phương Tây cung cấp, các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 MLRS và hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS là những vũ khí nguy hiểm nhất, uy lực nhất mà quân đội Ukraine đang có và có thể tác động đáng kể đến hoạt động tác chiến", cựu binh và cũng là một chuyên gia quân sự Nga Alexey Sakantsev nhận định.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo, London sẽ cung cấp cho Kiev các hệ thống M270 cùng với đạn rocket có thể tấn công mục tiêu ở cách xa 80km. Trước đó, Mỹ cũng cho biết sẽ chuyển lô đầu tiên gồm 4 hệ thống M142 HIMARS cho Kiev. Hệ thống này có tầm bắn 80km đối với đạn rocket, và khoảng 300km với tên lửa chiến thuật.

M270 MLRS và M142 HIMARS sử dụng chung một loại đạn pháo. Điểm khác biệt là, M270 là loại xe bánh xích với hai ống phóng với 6 quả đạn mỗi ống (hoặc mỗi ống 1 tên lửa) trong khi M142 HIMARS là dạng xe bánh lốp đặt trên khung gầm của một chiếc xe tải 5 tấn có cabin bọc thép với một ống phóng 6 quả rocket hoặc 1 tên lửa.

"Các ống phóng này được trang bị hệ thống nạp đạn nhanh và gần như không khác nhau về cấu trúc, trong khi các mô-đun tiêu chuẩn là một lợi thế lớn cho công tác hậu cần, huấn luyện và sửa chữa thiết bị", ông Sakantsev chỉ ra.

Ngoài ra, các hệ thống này có ưu điểm có thể sử dụng 3 loại đạn pháo gồm pháo cỡ nòng 227mm, 240mm và đạn tên lửa. Chúng cũng được tích hợp hệ thống dẫn đường giúp tăng độ chính xác.

Loại đạn thứ 3 là tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS. "Mỗi hệ thống M270 có thể mang 2 quả tên lửa như vậy, trong khi M142 mang 1 quả. Tầm hoạt động của tên lửa này khoảng từ 140km đến 300km, được gắn các đầu đạn dẫn đường", ông Sakantsev nói. Những hệ thống pháo này có thể tấn công mục tiêu ở cả chiến tuyến và khu vực phòng thủ của đối phương.

"Nếu lực lượng Ukraine sở hữu các hệ thống pháo tầm xa nhất, họ có thể nhắm vào các lá chắn phòng thủ, căn cứ quân sự, kho đạn dược, trung tâm chỉ huy, khu vực đóng quân, hệ thống phòng không của Nga", ông Sakantsev nhận định.

Một ưu điểm của M142 là tính cơ động cơ, do vậy cũng khó bị đối phương phát hiện và tấn công hơn.

Tuy nhiên, ông Sakantsev cho rằng, những hệ thống trên vẫn có những nhược điểm và có thể bị Nga khống chế. Hơn nữa, việc vận hành M270 và M142 đòi hỏi phải có quá trình đào tạo.

"Đầu đạn của các hệ thống này có thể bị phát hiện trong hành trình và bị hệ thống phòng không tiên tiến của Nga như S-300, S-350, S-400, Buk, Tor-M2, Pantsyr-S và Tunguska phá hủy… Trong một số trường hợp, Nga có thể phá hủy các hệ thống đó bằng tên lửa Iskander-M trước khi chúng được đưa vào vị trí bắn nhằm giảm rủi ro cho phi công", chuyên gia Sakantsev cho biết.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine