Ukraine đứng giữa ngã 3 đường: Thỏa thuận khoáng sản với Mỹ hay vào EU?
(Dân trí) - Bản dự thảo mới nhất về thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine có thể gây ra thách thức không chỉ đối với quyền kiểm soát của Kiev với tài nguyên mà còn đối với tham vọng gia nhập EU của nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Thỏa thuận tài nguyên thiên nhiên giữa Mỹ và Ukraine đã gây ra những rạn nứt nhất định giữa Kiev và Washington, cũng như từng khiến Ukraine mất sự hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ hồi tháng trước.
Trong nỗ lực làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảm bảo sự ủng hộ của ông trong cuộc chiến chống lại Nga, Kiev lại đối mặt với một trở ngại khác: Ký kết một thỏa thuận không làm tổn hại đến tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ukraine xác nhận vào ngày 1/4 rằng họ đã nhận được đề xuất mới từ chính quyền Trump vài ngày trước đó và hai bên đã "bắt đầu tham vấn".
Một trong những vấn đề nổi cộm là yêu cầu của Washington mâu thuẫn với thỏa thuận hợp tác về nguyên liệu thô quan trọng mà Brussels và Kiev đã ký kết vào năm 2021.
Sự xung đột lợi ích này đang làm dấy lên lo ngại ở Kiev. Nếu Ukraine ký kết thỏa thuận với Mỹ đúng như bản dự thảo của Washington, họ có nguy cơ bị Brussels phản ứng gay gắt, làm suy yếu uy tín của Kiev và đặt ra "câu hỏi về định hướng chiến lược" của nước này, theo nhận định của Tiến sĩ Teona Lavrelashvili, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens.
Ukraine từ lâu đã mong muốn trở thành thành viên EU và chính thức nộp đơn xin gia nhập vào ngày 28/2/2022, chỉ 4 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Các cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập EU.
Nếu hoàn thành các cải cách cần thiết, Ukraine có thể gia nhập EU vào năm 2029, theo cựu Ủy viên EU về Mở rộng Oliver Varhelyi hồi tháng 12.
Mâu thuẫn giữa 2 thỏa thuận
Bản ghi nhớ EU ký với Ukraine vào năm 2021 là một phần quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng tái tạo của châu Âu.
Brussels đã xác định một số khoáng sản quan trọng có trữ lượng lớn ở Ukraine, bao gồm lithium, cobalt, than chì tự nhiên và các nguyên tố đất hiếm. Đây là các nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin, tua-bin gió và công nghệ xanh khác.
Bản ghi nhớ nhấn mạnh sự cạnh tranh công bằng và lợi ích song phương giữa các công ty châu Âu và Ukraine trong việc phát triển ngành tài nguyên.
Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận mà Mỹ đề xuất có điều khoản mâu thuẫn với bản ghi nhớ Ukraine từng ký với EU.
Bà Olga Pindyuk, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Vienna, nhận định, đề xuất của Mỹ giống như đang gây áp lực lên Ukraine, chứ "không phải một khoản đầu tư có ý nghĩa".
Theo thỏa thuận này, Ukraine chỉ được hưởng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên của mình sau khi trả hết khoản viện trợ trị giá hơn 100 tỷ USD từ Mỹ, với lãi suất hàng năm 4%. Trong khi đó, Mỹ không phải cam kết bất kỳ khoản đóng góp nào vào quỹ này.
Khác với bản dự thảo trước, thỏa thuận mới còn có điều khoản cấm Ukraine bán khoáng sản cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, tức là EU.
Tất cả những điều này khiến dự thảo thỏa thuận của Mỹ xung đột với bản ghi nhớ của EU, đồng thời có thể gây tổn hại đến tiến trình gia nhập EU của Ukraine.
"Việc trao cho các công ty Mỹ quyền tiếp cận đặc biệt với tài nguyên khoáng sản của Ukraine có thể đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận với EU", tiến sĩ Lavrelashvili nhận định.
"Điều khiến Brussels lo ngại là việc ưu tiên một đối tác nước ngoài so với các đối tác khác có thể mâu thuẫn với nghĩa vụ của Ukraine với tư cách là một quốc gia ứng viên", bà nói thêm.
Áp lực gia tăng
Ông Trump đã công khai gây áp lực lên Tổng thống Volodymyr Zelensky để ký vào phiên bản mới nhất của thỏa thuận này.
"Ông ấy đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận khoáng sản và nếu làm vậy, ông ấy sẽ gặp rắc rối, rắc rối lớn", ông Trump tuyên bố với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một vào ngày 30/3.
Ông Trump đã thể hiện rõ hậu quả có thể xảy ra nếu ông Zelensky không chấp nhận thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Sau cuộc tranh luận căng thẳng trong Phòng Bầu dục vào tháng 2, Mỹ đã tạm thời cắt viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.
Trong khi đó, EU cũng ngầm gây áp lực lên Kiev.
Một vấn đề lớn với dự thảo thỏa thuận của Mỹ là nó sẽ hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp EU, từ đó cản trở tiến trình hội nhập châu Âu của Ukraine, theo bà Marija Golubeva, Giám đốc Sáng kiến Baltic về cải cách châu Âu.
EU cũng đã cam kết hỗ trợ tái thiết Ukraine, nhưng thỏa thuận với Mỹ có thể gây trở ngại cho nỗ lực này khi dòng tiền bị hút ra khỏi Ukraine và đổ vào quỹ của Mỹ.
"Những nước đồng minh khác nên có cơ hội đầu tư ngang hàng với Mỹ", bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, Chủ tịch Ủy ban Hội nhập EU của Quốc hội Ukraine, nhấn mạnh.
Dưới các điều khoản hiện tại, Quốc hội Ukraine khó có thể phê chuẩn thỏa thuận này, bà nói thêm.
Việc Mỹ không xem xét các cam kết của Ukraine với EU đã làm dấy lên nhiều nghi ngại tại Kiev.
"Có thể ông Trump muốn đưa ra những đề xuất quyết liệt, rồi sau đó sẽ đưa ra một thỏa hiệp hợp lý hơn", nghị sĩ Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, nói với Kyiv Independent.
Về lý thuyết, Ukraine có thể ký thỏa thuận tài nguyên với cả Mỹ và EU, nhưng Kiev cần đàm phán lại các điều khoản với Washington để tránh thiên vị các công ty Mỹ.
Vẫn chưa rõ liệu ông Trump có chấp nhận đàm phán lại hay không, nhưng những tuyên bố gần đây của ông về việc Zelensky có thể rút lui cho thấy quá trình thương lượng sẽ rất khó khăn.
Nếu ông Trump giữ nguyên lập trường và muốn Ukraine ký vào thỏa thuận này, điều đó có thể không ngăn Ukraine gia nhập EU, nhưng Brussels có thể sẽ cắt giảm hỗ trợ tài chính như một phản ứng cứng rắn, theo chuyên gia André Sapir từ Bruegel.
Tuy nhiên, EU có khả năng sẽ ưu tiên đối thoại ngoại giao trước, và Kiev có thể phải đàm phán lại thỏa thuận với Mỹ sau khi gia nhập EU.
Kiev vẫn muốn theo đuổi thỏa thuận với Mỹ, nhưng cần một thỏa thuận "đáp ứng lợi ích của cả hai nước", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết vào ngày 1/4.