1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine dùng chiến thuật phục kích tên lửa bắn rơi "mắt thần" A-50 của Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi Ukraine tuyên bố bắn rơi mục tiêu rất có giá trị của Nga, máy bay cảnh báo sớm A-50, giới quan sát nêu ra giả thuyết về chiến thuật phục kích mà Kiev có thể đã sử dụng.

Ukraine dùng chiến thuật phục kích tên lửa bắn rơi mắt thần A-50 của Nga? - 1

Máy bay cảnh báo sớm A-50 (Ảnh: Forbes).

Ukraine tuyên bố ngày 14/1 đã bắn trúng mục tiêu rất có giá trị của Nga, máy bay A-50. Đây là dòng máy bay rất hiếm khi Nga chỉ có chưa đầy 10 chiếc, nó cũng được ví là "mắt thần" trên không vì khả năng theo dõi mục tiêu và cảnh báo sớm.

Nga chưa bình luận về thông tin này, nhưng nếu đây là sự thật nó sẽ là mất mát lớn cho không quân Nga.

Theo Forbes, Ukraine có thể đã sử dụng một trong những loại tên lửa phòng không sau để bắn vào A-50, bao gồm Patriot PAC-2, PAC-3, S-300.

Ngoài ra, Ukraine cũng tuyên bố phá hủy một máy bay chỉ huy Ilyushin Il-22 của Nga bay cùng chiếc A-50. 

Ukraine chưa nêu chi tiết cách mà họ "bắn rơi" chiếc A-50 có 4 động cơ nhưng chuyên gia Tom Cooper đã đưa ra giả thuyết về chiến thuật phục kích mà Ukraine sử dụng để tấn công máy bay Nga.

Theo ông Cooper, mấu chốt của chiến thuật bắt đầu từ ngày 13/1 khi Ukraine điều các máy bay ném bom Su-24 tấn công vào các radar của Nga ở bán đảo Crimea, làm giảm tầm phủ sóng của các radar Moscow tại khu vực chiến lược.

Điều này dường như đã khiến Nga phải điều động chiếc A-50U thường bay ở phía bắc tại khu vực biển Azov, mở rộng phạm vi theo dõi mục tiêu xuống gần hết bán đảo Crimea, để bù đắp cho việc mất các radar trên mặt đất. Radar của A-50 có thể quan sát thấy các mục tiêu có kích thước bằng máy bay cách xa gần 322km.

Trong nhiệm vụ trên, Nga dường như điều động máy bay Il-22M đi cùng A-50. Il-22 là một nền tảng chuyển tiếp tín hiệu vô tuyến, có nhiệm vụ hỗ trợ A-50 xử lý thông tin thu được trên không.

Chuyên gia Cooper dẫn nguồn tin nói rằng, chiếc A-50 và Il-22 dường như đã bay qua khu vực Berdyansk mà Nga đang kiểm soát, cách 120km so với tiền tuyến, khiến 2 máy bay này đều nằm trong tầm đánh chặn của hệ thống phòng không đất đối không Patriot PAC-2 hoặc PAC-3 do Mỹ sản xuất.

Giả thuyết của chuyên gia trên là Ukraine đã triển khai hệ thống phòng không ở gần Berdyansk từ trước và chớp thời cơ để có thể bắn rơi máy bay Nga.

"Có lẽ đây là một trong những hệ thống S-300 hoặc PAC-2/3 của không quân Ukraine", ông nhận định. Ngoài ra, ông nêu ra khả năng Ukraine có thể đã sử dụng radar của S-300 kết hợp với hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-2/3.

Theo Forbes, có một số bằng chứng cho thấy giả thuyết kết hợp nói trên. Một nguồn tin nói với báo Mỹ rằng, tiêm kích bom Su-34 của không quân Nga dường như đã phát hiện một khẩu đội S-300 của Ukraine bật radar của nó vài phút trước khi Kiev bắn tên lửa vào A-50 và Il-22.

Sau đó, theo ông Cooper, các hệ thống S-300 và PAC-2/3 nhanh chóng tắt radar và rời vị trí để tránh kịch bản bị Nga đáp trả.

Theo Forbes, về mặt nguyên tắc, Nga có 9 chiếc A-50, nhưng 6 chiếc dường như đang cần được nâng cấp. Nếu họ thực sự mất đi một chiếc A-50 như Ukraine tuyên bố, Nga có thể sẽ chỉ còn lại 2 chiếc.

Nga có thể sẽ không mạo hiểm để đưa 2 chiếc A-50 còn khả năng tác chiến tới gần hơn tiền tuyến, nhưng nếu họ không bù đắp kịp tổn thất về radar mặt đất tại Crimea, đây sẽ là điểm yếu mà Ukraine có thể khai thác.

Ông Cooper dự đoán, Ukraine có thể sẽ tìm cách tấn công tiếp vào Crimea trong thời điểm Nga chưa bao phủ kịp radar trên khu vực bán đảo.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm