Ukraine điều tàu đổ bộ, nỗ lực tái chiếm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia
(Dân trí) - Quân đội Ukraine đã huy động nhiều phương tiện đổ bộ cùng binh sĩ trong nỗ lực giành lại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang bị các lực lượng Nga kiểm soát.
"Đêm qua, một lực lượng lớn binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine di chuyển trên các tàu đổ bộ tốc độ cao từ khu vực phía Nam thành phố Zaporizhia trong nhiệm vụ giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia. Kế hoạch của quân đội Ukraine đã bị đẩy lùi", ông Vlaimir Rogov, một lãnh đạo thân Nga tại tỉnh Zaporizhia, miền Nam Ukraine cho biết ngày 19/10.
Theo ông Rogov, hơn 30 phương tiện đổ bộ đã được phía Ukraine huy động cho nhiệm vụ lần này nhưng các lực lượng Nga vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Phía Nga hiện không có ý định tổ chức sơ tán các công nhân làm việc trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia cũng như người dân tại thị trấn Enerhodar gần đó.
Nhà máy Zaporizhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cung cấp điện cho một khu vực rộng lớn của Ukraine cũng như bán điện cho nhiều quốc gia láng giềng. Sau khi tỉnh ly khai Zaporizhia bỏ phiếu sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 9, nhà máy này đã được chuyển giao cho các kỹ sư Nga kiểm soát và hiện đang cung cấp lượng điện năng ổn định cho các khu vực ly khai phía Nam Ukraine và bán đảo Crimea.
Hiện tại, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đang được bảo vệ bởi các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Đây là lực lượng thiện chiến trong thành phần quân đội Nga, được xây dựng và huấn luyện bài bản cho các nhiệm vụ đột kích, tấn công khủng bố và bảo vệ mục tiêu quan trọng.
Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 cho đến đầu tháng 10 năm nay, khu vực nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhia đã trở thành một điểm nóng giao tranh trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, gây ra rủi ro về rò rỉ chất phóng xạ. Hàng loạt các vụ pháo kích đã được cả 2 phe tiến hành nhằm vào khu vực thị trấn Enerhodar.
Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự quan ngại về một "thảm kịch hạt nhân" có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại nhà máy Zaporizhia. Ông Guterres cũng nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên liên quan lập tức rút quân và trang thiết bị quân sự ra khỏi nhà máy Zaporizhia cũng như dừng mọi hành động gây hấn tại khu vực này.
Về phía Nga, Moscow khẳng định mục đích duy nhất của việc các lực lượng Nga tiếp quản Zaporizhia là để "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".