Ukraine đề xuất "công thức hòa bình"
(Dân trí) - Một trong những thành tố của "công thức hòa bình" do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra là Ukraine cần được đáp ứng đầy đủ hệ thống phòng không.
Trang Ukrainsk Pravda đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến hôm 11/10 với lãnh đạo nhóm G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra "công thức hòa bình" gồm những điều kiện cần thiết để Kiev nhanh chóng chấm dứt chiến sự với Nga.
Điểm đầu tiên của công thức hòa bình là "lá chắn trên không" cho Ukraine. Ông Zelensky nhấn mạnh, khi nhận được đầy đủ hệ thống phòng không hiệu quả và hiện đại, Ukraine có thể vô hiệu hóa các cuộc tập kích tên lửa của Nga.
"Tôi cảm ơn nước Đức và cá nhân Thủ tướng Scholz vì đã xúc tiến bàn giao hệ thống IRIS. Tôi cảm ơn nước Mỹ và cá nhân Tổng thống Biden về quyết định cung cấp các tổ hợp phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đại. Chúng tôi tin rằng, các hệ thống tầm xa sẽ cho phép chúng tôi tạo ra một hệ thống phòng thủ có lớp lang", ông Zelensky phát biểu. Ông kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp thêm lá chắn tên lửa cho Ukraine trong những tháng tới.
Điểm thứ hai là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông kết hợp nó với điểm thứ ba là trừng phạt - yếu tố không thể thiếu của bất kỳ công thức hòa bình nào. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Ông cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 8 gói trừng phạt Moscow, nhưng vẫn đề nghị một gói trừng phạt cứng rắn hơn nữa. Ông đề cập cụ thể đến các biện pháp như áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Điểm tiếp theo, ông đề cập đến các đảm bảo an ninh cho Ukraine dưới hình thức hiệp ước an ninh Kiev.
Cuối cùng, ông khẳng định, Ukraine không có ý định thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Belarus - một đồng minh quan trọng của Nga. Tuy nhiên, ông đề xuất bố trí một phái đoàn quan sát viên quốc tế ở biên giới Ukraine và Belarus. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh biên giới Ukraine - Belarus có xu hướng leo thang căng thẳng. Belarus cáo buộc lực lượng Ukraine phá hủy hầu hết các cây cầu và đặt mìn dọc biên giới với Belarus. Trong khi đó, Kiev và phương Tây đặt ra nghi vấn Belarus có thể tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga. Trang tin Ukrainsk Pravda dẫn nguồn thạo tin cho hay, Belarus sẽ triển khai thêm binh sĩ và khí tài tập trận ở khu vực cách biên giới Ukraine chỉ 17km trong những ngày tới.
Xung đột Nga - Ukraine kéo gần 8 tháng qua và tiếp tục leo thang. Ông Zelensky cho rằng cuộc chiến đang đi đến giai đoạn quyết định. Chính quyền của ông nhiều lần khẳng định, đàm phán chỉ có thể nối lại khi Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, Moscow cáo buộc Kiev khiến các cuộc hòa đàm đổ vỡ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào và bắt đầu đàm phán với Nga.