Ukraine đã tịch thu bao nhiêu vũ khí hạng nặng của Nga?
(Dân trí) - Đại tá Ukraine tiết lộ số lượng vũ khí Kiev tịch thu của Nga sau gần 18 tháng chiến sự và cho biết họ đã dùng chính những vũ khí đó để tấn công lại Nga.
Trả lời báo Đức DW, đại tá quân đội Ukraine Oleksandr Saruba cho hay, Kiev đang sử dụng hàng trăm hệ thống vũ khí nước này tịch thu của Nga để chống lại lực lượng Moscow trên chiến trường.
Theo DW, ông Saluba đang công tác ở trung tâm quân sự Ukraine chuyên tiếp nhận và phân tích vũ khí thu được từ Nga.
Theo quan chức này, Ukraine đã tịch thu của Nga hơn 800 hệ thống pháo, phương tiện bọc thép và các vũ khí khác kể từ khi chiến sự bùng phát, trong đó có 300 xe tăng.
Đại tá Ukraine cho hay, Kiev sau đó sẽ sửa chữa một số vũ khí bị hỏng, mổ xẻ để thu thập thông tin về kỹ thuật quân sự. Một số lượng vũ khí sẽ được đưa trở lại chiến trường để đối phó với Nga.
Ông Saruba nhấn mạnh, trong số các vũ khí Ukraine thu giữ của Nga có xe tăng T-72. Ngoài ra, Kiev cũng tịch thu từ Moscow các hệ thống tên lửa Grad khi Ukraine phản công vào mùa thu năm ngoái ở phía bắc và phía đông.
"Nga đang cạnh tranh với các nước phương Tây để cung cấp vũ khí cho Ukraine", Đại tá Saruba nói, ám chỉ việc Ukraine thu giữ được lượng lớn vũ khí từ Nga.
Các vũ khí bị thu giữ cũng bao gồm các thiết bị, khí tài trong các hoạt động chiến đấu, ví dụ hệ thống tác chiến điện tử và phòng không. Ukraine cũng thu của Nga hàng nghìn vũ khí hạng nhẹ như súng máy, súng phóng lựu, ông Saruba cho biết.
Theo đại tá Ukraine, trong một số trường hợp, binh sĩ Nga có thể bỏ lại vũ khí trên chiến trường khi chúng gặp các lỗi nhỏ. Vì vậy, Ukraine có thể tận dụng cơ hội để thu thập những hệ thống còn tương đối nguyên vẹn và tái triển khai chúng.
Theo DW, kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã tận dụng vũ khí tịch thu của Nga để tấn công trở lại đối phương. Hồi tháng 3/2022, Ukraine từng tuyên bố thu được 24 tên lửa Uragan từ Nga và bắn các vũ khí này vào vị trí của Nga.
Ngoài ra, theo giới quan sát, các vũ khí của Nga cung cấp các thông tin tình báo quan trọng cho Ukraine và phương Tây liên quan tới công nghệ.
Khi mổ xẻ những vũ khí này, Kiev và các đối tác có thể tìm hiểu các tính năng, linh kiện bên trong nhằm tìm cách đối phó trong tương lai. Mặt khác, khi biết xuất xứ của các bộ phận trong vũ khí, phương Tây có thể ban hành lệnh trừng phạt để ngăn cản Nga tiếp cận với các linh kiện một cách tối đa.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Michael Kofman, không phải vũ khí nào của Nga cũng có thể sửa chữa, đặc biệt là những hệ thống sử dụng công nghệ hiện đại. Những công nghệ này chỉ Nga mới có thể sản xuất nên Ukraine gặp khó trong việc tìm linh kiện thay thế phù hợp để sửa chữa.
Ông Kofman cho biết, trong nhiều trường hợp, Ukraine "không có các bộ phận để sửa các vũ khí của Nga. Vì vậy, trên lý thuyết, bạn có thể tịch thu được nhiều vũ khí, nhưng bạn không có động cơ hay hộp số, hay các linh kiện để chúng có thể hoạt động".