1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine có thể "song kiếm hợp bích" với vũ khí Đức để đối phó hỏa lực Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, Ukraine có thể sử dụng lựu pháo tự hành và radar do Đức sản xuất để gây khó khăn cho các hệ thống hỏa lực của Nga, vốn đang áp đảo trên chiến trường trong thời gian qua.

Ukraine có thể song kiếm hợp bích với vũ khí Đức để đối phó hỏa lực Nga - 1

Binh sĩ Đức diễn tập với pháo tự hành PzH 2000 (Ảnh: Bundeswehr).

Forbes đưa tin, chính phủ Đức đã "bật đèn xanh" cho nhà thầu Krauss-Maffei Wegmann sản xuất 100 khẩu lựu pháo tự hành PzH-2000 cho quân đội Ukraine trong khuôn khổ một thương vụ trị giá 1,7 tỷ USD.

Trước đó, Đức và Hà Lan đã chuyển tới Ukraine 18 khẩu PzH-2000 trong kho vũ khí. Nó nặng 56 tấn, được trang bị pháo 155 mm và là một trong những lựu pháo uy lực nhất trên thế giới.

PzH-2000 được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-1. Vũ khí chính của PzH-2000 là pháo 155mm.

Lựu pháo này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn 9 viên một phút. Đặc biệt, nó có chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau (MRSI) và đánh trúng mục tiêu cùng lúc. PZH-2000 có thể bắn các loại đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO, tầm bắn thông thường 30km, 40km với đạn pháo tăng tầm. PzH-2000 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với khả năng cập nhật tham số mục tiêu qua hệ thống liên kết dữ liệu. Thân xe được bọc giáp có thể chống lại đạn cỡ nòng 14,5mm.

Ukraine có thể song kiếm hợp bích với vũ khí Đức để đối phó hỏa lực Nga - 2

Radar phản pháo Cobra (Ảnh: Wiki).

Tuy nhiên, sức mạnh của lựu pháo này sẽ tăng lên nhiều lần khi nó được bắt cặp với một radar có thể chỉ đường cho viên đạn pháo bay tới hệ thống hỏa lực của đối phương. Theo Forbes, Đức cũng đang chuyển cho Ukraine hệ thống radar phản pháo tốt hàng đầu trong kho vũ khí của họ mang tên: Cobra.

Có một số cách để ngắm bắn pháo binh, như sử dụng quân nhân quan sát và hiệu chỉnh nòng pháo thông qua sóng vô tuyến, hoặc sử dụng máy bay không người lái như "mắt thần" trên không để lấy tọa độ và định vị được mục tiêu.

Tuy nhiên, đối với việc nã pháo vào hệ thống hỏa lực của đối thủ thì các cách trên hoặc là nguy hiểm hoặc là sẽ có độ trễ. Đó là lý do vì sao mà các nền quân đội hàng đầu thế giới đã sản xuất ra radar phản pháo. Nhiệm vụ của dòng radar này là phát hiện hỏa lực pháo binh của đối phương và nhanh chóng truy vết về điểm xuất phát của chúng, rồi khai hỏa trước khi đối thủ kịp di chuyển pháo đi chỗ khác.

Năng lực phản pháo là rất cần thiết trong chiến sự ở Ukraine, nơi cả Moscow và Kiev hiện đang sử dụng chiến thuật hỏa lực. Nga trong thời gian qua đã vận dụng tiềm lực vượt trội và liên tục áp đảo Ukraine bằng dàn pháo binh và hỏa lực hùng hậu.

Quân đội Nga đã dành nhiều thập niên để phát triển một quy trình phản pháo rất tinh vi, theo lý thuyết, có thể bắn đạn pháo đáp trả khẩu đội đối phương trong vòng vài giây sau khi khẩu đội đó khai hỏa.

Mỹ đã chuyển cho Ukraine 30 hệ thống radar phản pháo, nhưng theo Forbes, hệ thống Cobra trị giá 50 triệu USD dường như chính là một trong những phương án tốt nhất để Ukraine có thể đối phó hỏa lực áp đảo từ Nga.

Đó là một hệ thống di động, khép kín và tự động hóa cao, kết hợp radar 3D với một chiếc xe tải 3 tấn do kíp 3 người vận hành. Radar này có thể phát hiện các quả đạn đang bay tới cách xa khoảng 100km và chuyển thông tin tới các hệ thống pháo thông qua dữ liệu vô tuyến.

Cobra không chỉ nhanh và chính xác, nó còn có khả năng liên kết các hệ thống pháo với nhau. Ngoài truy vết được hỏa lực đối phương, radar này có thể dò được cả hỏa lực từ hệ thống của đồng đội đang nhằm vào vũ khí đối thủ. Sau đó, radar này sẽ truyền thông tin cần thiết về cho hệ thống pháo của đồng đội để hiệu chỉnh nhằm ngắm bắn trúng mục tiêu của đối thủ.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine