1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức cấp cho Ukraine 7 lựu pháo mạnh bậc nhất thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Đức đã đạt được đồng thuận về việc cung cấp 7 lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine nhằm giúp nước này đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Đức cấp cho Ukraine 7 lựu pháo mạnh bậc nhất thế giới - 1

Binh sĩ Đức diễn tập với pháo tự hành PzH 2000 (Ảnh: Bundeswehr).

Reuters đưa tin, trong chuyến công du Slovakia hôm nay 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht cho biết, giới chức nước này đã nhất trí chuyển 7 lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine. Các lựu pháo này sẽ được lấy ra từ kho dự phòng của Đức và sẽ sớm chuyển cho Ukraine sau khoảng vài tuần bảo dưỡng. Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine lô đạn đầu tiên dành cho lựu pháo.

Ngoài ra, Đức sẽ hỗ trợ huấn luyện vận hành lực pháo cho 20 binh sĩ Ukraine đầu tiên từ tuần tới tại thị trấn Idar-Oberstein của Đức. Các binh sĩ này là người đều đã có kinh nghiệm vận hành lựu pháo do Liên Xô sản xuất.

PzH-2000 là sản phẩm của tập đoàn Đức Krauss-Maffei Wegmann. Nó được xem là một những lựu pháo tự hành mạnh nhất thế giới. PzH-2000 được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-1. Vũ khí chính của PzH-2000 là pháo 155 mm.

Lựu pháo này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn 9 viên một phút. Đặc biệt, nó có chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau (MRSI) và đánh trúng mục tiêu cùng lúc. PZH-2000 có thể bắn các loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO, tầm bắn thông thường 30 km, 40 km với đạn pháo tăng tầm. PzH-2000 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với khả năng cập nhật tham số mục tiêu qua hệ thống liên kết dữ liệu. Thân xe được bọc giáp có thể chống lại đạn cỡ nòng 14,5 mm.

Đức sở hữu 119 hệ thống pháo PzH 2000, nhưng chỉ có 40 hệ thống đang được vận hành. Quyết định cung cấp PzH 2000 đánh dấu một bước ngoặt nữa trong lập trường của Đức về cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Sau nhiều sức ép cả trong nước và quốc tế, Berlin đã đảo ngược chính sách không chuyển vũ khí hạng nặng đến vùng chiến sự Ukraine. Tuần trước, Đức lần đầu tiên đồng ý cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine với kế hoạch chuyển pháo phòng không Gepard cho nước này.
Phương Tây đang tăng cường viện trợ quân sự giúp Ukraine đối phó đà tiến công của Nga.

Hiện các nước này đã cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng thay vì chỉ hỗ trợ vũ khí nhỏ, thiết bị phòng vệ. Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các quốc gia thành viên NATO đã chuyển cho Ukraine đều là vũ khí do Liên Xô sản xuất còn nằm lại trong kho quân sự, song Mỹ và một số đồng minh cũng bắt đầu gửi cho Ukraine các lựu pháo do phương Tây chế tạo đòi hỏi phải có thời gian đào tạo vận hành.

Động thái trên của phương Tây đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Nga. Moscow cho rằng, NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa đang tham chiến chống lại Nga. Moscow cảnh báo, bất cứ lô vũ khí nào vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga. Gần đây, Nga đang tăng cường tấn công vào các đường tiếp viện vũ khí của nước ngoài cho Ukraine như mạng lưới đường sắt cũng như các kho tập kết.

Theo Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm