1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine có thể gặp thách thức với xe tăng do phương Tây viện trợ

Minh Phương

(Dân trí) - Xe tăng chiến đấu chủ lực do các nước thành viên NATO viện trợ có trọng lượng lớn hơn có thể gây thách thức cho Ukraine khi sử dụng.

Ukraine có thể gặp thách thức với xe tăng do phương Tây viện trợ - 1

Các xe tăng chiến đấu Leopard của Đức trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Getty).

Các nước phương Tây đồng loạt cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trong đó, Mỹ hứa sẽ chuyển 31 xe tăng M1 Abrams, Đức cam kết viện trợ 14 xe tăng Leopard 2. Cuối tuần trước, Đức cũng cho phép một số nước châu Âu xuất khẩu cho xe tăng Leopard 1 cũ hơn.

Ngoài ra, Berlin cho phép các quốc gia khác tái xuất Leopard do Đức sản xuất sang Kiev. Cuối tuần trước, Đức cũng phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho xe tăng Leopard 1 cũ hơn.

Các loại xe tăng mới này đều hiện đại hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực mà Kiev đã sử dụng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, bao gồm cả T-72 thời Liên Xô. Ukraine từng được một số quốc gia viện trợ T-72 và vào tháng 11/2022, Nhà Trắng cam kết tài trợ tân trang 45 xe tăng T-72B với các tính năng tiên tiến thông qua Cộng hòa Séc.

Tuy nhiên, xe tăng phương Tây có trọng lượng lớn hơn nhiều so với T-72. Trong khi T-72 nặng khoảng 45 tấn, một chiếc M1 Abrams của Mỹ có thể nặng 67 - 74 tấn.

Chuyên gia quân sự và quốc phòng Michael Peck nhận định với Newsweek rằng: "Điều này ảnh hưởng đến thiết kế của cầu nối mà xe tăng sử dụng, từ đó ảnh hưởng đến nơi chúng được triển khai cũng như sự cơ động của chúng trên chiến trường".

Theo Frank Ledwidge, cựu sĩ quan quân đội, những cây cầu nối thời Liên Xô được thiết kế để chịu sức nặng của xe tăng vào thời bấy giờ và trong khu vực. Nhiều cây cầu của Ukraine có thể không phù hợp với loại xe tăng chiến đấu chủ lực mà phương Tây đang muốn viện trợ cho Ukraine, ông Ledwidge nói.

Ông cho biết thêm, các thiết bị bắc cầu mà quân đội Ukraine sử dụng cũng được thiết kế dành cho xe tăng thời Liên Xô, mà không phải Abrams, Challenger hay Leopard. Các thiết bị cầu nối tương ứng sẽ được đồng minh phương Tây cung cấp, nhưng tình báo quân sự Nga dù sao cũng có thể hưởng lợi từ bất kể quyết định hậu cần nào của Ukraine nhằm loại bỏ những cây cầu không phù hợp.

Ông Ledwidge lập luận, những cân nhắc này sẽ khiến quân đội Ukraine bị giới hạn, song ban chỉ huy quân sự của Ukraine sẽ tìm cách triển khai xe tăng để tận dụng khả năng của chúng.

Hồi tháng 2/2020, trang tin quân sự Breaking Defense viết, mặc dù cơ sở hạ tầng của Tây Âu được củng cố trong Chiến tranh Lạnh để xử lý trọng lượng hơn 60 tấn của xe tăng NATO, nhưng Đông Âu không đủ khả năng để xây dựng hạ tầng như vậy. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, họ chỉ nên chứa các xe tăng Liên Xô nhẹ hơn nhiều, như T-72.

Báo Financial Times của Anh cuối tuần qua đăng bài nhận định, xe tăng M1 Abrams của Mỹ có thể trở thành gánh nặng cho Ukraine. Theo bài báo, M1 Abrams sử dụng động cơ tua-bin khí, có thể tăng tốc nhanh hơn động cơ diesel nhưng đòi hỏi bảo dưỡng, sữa chữa tỉ mỉ và mức tiêu hao nhiên liệu lớn hơn. Ngoài ra, loại xe tăng này cũng yêu cầu thời gian đào tạo kíp lái lâu hơn.

Ông Josh Kirshner, giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược Beacon Global Strategies, cảnh báo những thiếu sót về hậu cần có thể biến Abrams trở thành gánh nặng đối với quân đội Ukraine.

Ukraine có thể gặp thách thức với xe tăng do phương Tây viện trợ - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

Theo Newsweek, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine