1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

So sánh uy lực xe tăng Abrams của Mỹ và T-14 Armata của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi Abrams của Mỹ được coi là "tiêu chuẩn vàng" cho dòng xe tăng chiến đấu chủ lực, T-14 Armata của Nga cũng được mệnh danh là siêu xe tăng.

So sánh uy lực xe tăng Abrams của Mỹ và T-14 Armata của Nga - 1

Một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất (Ảnh: Creative).

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước tuyên bố, nước này sẽ viện trợ 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Chủ nhân Nhà Trắng nói rằng, Abrams là xe tăng có năng lực nhất thế giới.

Không lâu sau thông báo của Washington, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, Abrams sẽ bị đốt cháy giống tất cả những chiếc xe tăng khác ở chiến trường Ukraine.

M1 Abrams có hệ thống chỉ huy được tự động hóa, các ăng-ten được kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép kíp lái và sở chỉ huy biết chính xác vị trí mà phương tiện đang tác chiến. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống báo động sớm. Xe tăng do Mỹ sản xuất có tầm hoạt động hơn 400km và có khả năng diệt mục tiêu ở cách xa 4km bằng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.

Trong một đoạn video do ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine đăng trên Twitter, một người dẫn chương trình của chính phủ Nga đã nêu ra các cách để phá hủy xe tăng Abrams của Mỹ, sau đó so sánh với các ưu điểm mà họ cho rằng T-14 Armata của Nga đang sở hữu. "Đây là những phương tiện công nghệ cao với các bộ cảm biến, bộ truyền dữ liệu và máy bay không người lái phức tạp", video cho biết.

Xe tăng T-14 Armata từng gây chú ý khi ra mắt tại Moscow vào năm 2015. Một quan chức tình báo quân đội Anh khi đó viết một bài nghiên cứu, trong đó đánh giá: "Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng suốt nửa thế kỷ qua".

Bài nghiên cứu này cho biết, T-14 Armata thực sự khác biệt so với các xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhờ tháp pháo không người lái, có thể sử dụng pháo 125mm.

"Lần đầu tiên, một tháp pháo không người lái, được số hóa hoàn toàn tự động, đã được tích hợp vào một xe tăng chiến đấu chủ lực. Lần đầu tiên, một tổ lái xe tăng được thiết kế nằm trong một khoang bọc thép ở phía trước", nghiên cứu chỉ ra. Điều này làm tăng khả năng sống sót cho kíp 3 người vận hành xe tăng bên trong.

Chuẩn tướng Anh đã về hưu Ben Barry nhận định, thiết kế tháp pháo này có khả năng chứa một khẩu súng cỡ nòng 150mm, và loại súng này vượt trội so với súng và áo giáp trên các xe tăng NATO hiện có.

So sánh uy lực xe tăng Abrams của Mỹ và T-14 Armata của Nga - 2

Một xe tăng T-14 Armata của Nga trong lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ (Ảnh: TASS).

Xe tăng M1 Abrams, với nhiều biến thể, được trang bị nòng súng 105mm hoặc 120mm. M1, tùy thuộc vào kiểu máy, nặng từ 67,6 tấn đến 73,6 tấn, với tốc độ tối đa khoảng 70km/h.

Trong khi đó, T-14 Armata có thể đạt tốc độ tối đa gần 90km/h, trọng lượng tối đa 53 tấn và có khung gầm linh hoạt.

Tuy nhiên, cả hai loại xe tăng trên đều có nhược điểm.

Ông Biden cho biết, việc vận hành và bảo trì xe tăng M1 Abrams cực kỳ phức tạp. Trong khi đó, trong quá trình phát triển, T-14 Armata cũng gặp phải hàng loạt trục trặc. Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh từng đăng trên Twitter hồi đầu tháng 1 rằng, chương trình chế tạo và phát triển xe tăng T-14 Armata trong 11 năm đã bị kéo dài hơn do gặp nhiều gián đoạn, phải giảm quy mô hạm đội so với kế hoạch và gặp nhiều vấn đề khác về sản xuất.

Cũng theo cơ quan này, do cồng kềnh hơn nhiều loại xe tăng hiện có của Nga, T-14 gặp các vấn đề về logistics nên việc triển khai chúng ở Ukraine tiềm ẩn rủi ro cao đối với Moscow. Ngoài ra, động cơ và hệ thống chụp ảnh nhiệt của T-14 từng gặp vấn đề, vì vậy, việc thông báo triển khai T-14 ở Ukraine có thể chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, số lượng T-14 của Nga có thể hạn chế và các chỉ huy Nga không chắc sẽ tin tưởng vào phương tiện này trong chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ có hàng nghìn xe tăng Abrams trong kho.

Trong một đánh giá cập nhật vào ngày 25/1, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, các chỉ huy Nga ở Ukraine không muốn tiếp nhận đợt xe tăng T-14 đầu tiên giao tới vì những vấn đề trên. Hiện vẫn chưa thể xác nhận liệu Nga có triển khai T-14 ở Ukraine hay không.

Frank Ledwidge, một luật sư và cựu sĩ quan quân đội từng phục vụ ở Trung Đông và Balkan, nói rằng nếu có bất kỳ thông tin nào xung quanh việc T-14 Armata bị phá hủy ở Ukraine thì nó sẽ ảnh hưởng tới doanh số xuất khẩu quan trọng của vũ khí này. Ông nói thêm, Nga có nhiều khả năng sẽ điều xe tăng vòng ra sau chiến tuyến, thay vì được triển khai ở trung tâm của cuộc xung đột.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine