1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine có thể đảo ngược tình thế nếu dùng vũ khí của Mỹ tấn công Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia phương Tây cho rằng việc Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công tầm gần vào lãnh thổ Nga có thể giúp Kiev phòng vệ tốt hơn, nhưng khó làm xoay chuyển tình thế trên tiền tuyến.

Ukraine có thể đảo ngược tình thế nếu dùng vũ khí của Mỹ tấn công Nga? - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vũ khí (Ảnh: Reuters).

Hơn 2 năm kể từ sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, phương Tây đã viện trợ cho Kiev hàng loạt vũ khí hiện đại, bao gồm cả tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Ukraine cũng phải chịu sự ràng buộc là không được phép bắn các vũ khí này vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Sau khi Nga mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào Kharkov ở mặt trận đông bắc, Mỹ đã quyết định nới lỏng cho Ukraine để có thể phòng vệ trước Nga. Một số quốc gia châu Âu cũng đã dỡ bỏ các lệnh hạn chế, cho phép Ukraine có quyền sử dụng vũ khí viện trợ bắn vào lãnh thổ Nga.

"Trong vài tuần qua, Ukraine đề nghị được phép sử dụng vũ khí viện trợ để chống lại các đợt tấn công nhằm vào Kharkov, bao gồm cả việc chống lại các lực lượng Moscow đang tập trung ở phía biên giới Nga," Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 31/5.

Ông Blinken xác nhận Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận đề nghị của Ukraine, nghĩa là Kiev có thể dùng vũ khí do Mỹ cung cấp để phản đòn Nga, tấn công vào các khu vực ở biên giới Nga - Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định này là một "bước tiến" sẽ giúp lực lượng của ông bảo vệ khu vực Kharkov đang bị bao vây.

Theo giới quan sát, quyết định của Mỹ đã đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến, nhưng liệu nó có thể tạo ra tác động đủ lớn trên chiến trường hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Một số ý kiến tỏ ra lạc quan với diễn biến này, cho rằng đó là bước tiến của Mỹ sau khi họ tỏ ra thận trọng chiến lược trong thời gian qua.

Tháng trước, sau khi Nga tấn công Kharkov, chuyên gia Adam Kinzinger và Ben Hodges đã mô tả về hậu quả mà Ukraine phải đối mặt trước lệnh cấm dùng vũ khí của Mỹ.

"Chúng tôi đã nghe binh sĩ Ukraine liên tục kể những câu chuyện về các đoàn quân Nga tấn công Kharkov, bị đẩy lui và rút lui về lãnh thổ Nga an toàn rồi tập hợp lại, ăn một bữa ăn nóng, rồi lại lên kế hoạch và tấn công lại",  các chuyên gia mô tả.

Binh sĩ Nga tác chiến với mức độ an toàn nhất định vì Ukraine không thể phản kháng do phương Tây không cho họ bắn vũ khí viện trợ vào lãnh thổ Nga. Sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ và đồng minh đã giúp Ukraine chủ động hơn trên tiền tuyến.

Khó xoay chuyển tình thế

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine không nên nâng quá cao kỳ vọng, một phần vì Mỹ kiên quyết không cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí đáng gờm nhất bắn vào lãnh thổ Nga: tên lửa tầm xa ATACMS có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300km.

Thay vào đó, Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn GMLRS, có tầm bắn khoảng 70km.

Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nói rằng sự thay đổi chính sách của Mỹ sẽ "làm giảm bớt" cuộc tấn công của Nga ở Kharkov, nhưng Nga vẫn có thể duy trì khu vực an toàn trên lãnh thổ của họ.

Chuyên gia này nhận định, việc Mỹ "mở đường" có giới hạn cho Ukraine sẽ không đủ để tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến.

"Ukraine đặc biệt cần khả năng tấn công sâu vào các khu vực phía sau để loại bỏ các mối đe dọa trên bộ và trên không của Nga, vì nhiều sân bay của Nga hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine đều nằm ngoài phạm vi tấn công của GMLRS", bà nói.

Chuyên gia Franz-Stefan Gady tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng các cuộc tấn công xuyên biên giới bằng GMLRS sẽ cho phép Ukraine "tấn công một số khu vực tập trung, trung tâm chỉ huy và kiểm soát cũng như các kho tiếp tế của Nga".

Tuy nhiên, ông cho rằng, các bên cần thực tế trước tác động thực sự của các cuộc tấn công tầm ngắn này vì Nga đã thích nghi và tìm được cách đánh chặn các hỏa lực tấn công chính xác từ mặt đất của Ukraine. Tác chiến điện tử của Nga đã khiến hàng loạt các loại đạn thông minh như Excalibur, HIMARS, JDAM-ER mà phương Tây viện trợ cho Ukraine trở nên "im hơi, lặng tiếng".

Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết Ukraine "hiệu quả hơn trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga" do Mỹ nới lỏng quy định sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đó sẽ chỉ là tính năng bổ sung giúp Ukraine phòng vệ hiệu quả hơn, không phải là yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine