Ukraine cảnh báo đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng nước này có thể từ bỏ cam kết kéo dài hàng chục năm qua trở thành quốc gia phi hạt nhân, giữa lúc căng thẳng với Nga đang leo thang.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, Tổng thống Zelensky cảnh báo Ukraine có thể từ bỏ cam kết đã thực hiện trong gần 30 năm và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Theo ông Zelensky, và năm 1994, Ukraine đã tham gia vào Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại sự bảo đảm về mặt an ninh.
"Giờ đây, chúng tôi vừa không có vũ khí, vừa không có an ninh", ông Zelensky nói.
Lãnh đạo Ukraine cho biết, nước này đã cố gắng tổ chức tham vấn với các quốc gia bảo lãnh của Bản ghi nhớ Budapest 3 lần để xem xét các điều khoản trong đó, nhưng đều không thành công.
"Hiện thời, Ukraine sẽ nỗ lực lần thứ 4", ông Zelensky phát biểu, nhấn mạnh ông đã ra lệnh cho Ngoại trưởng Dmitry Kuleba yêu cầu tham vấn, nhưng đây sẽ là lần cuối cùng Kiev làm vậy.
"Nếu không có động thái hoặc quyết định cụ thể nào được thực hiện liên quan đến đảm bảo an ninh cho chúng tôi, Ukraine sẽ có mọi quyền tin rằng Bản ghi nhớ Budapest không hoạt động và tất cả các điều khoản hồi năm 1994 sẽ bị đặt dấu chấm hỏi", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng, "sự lên án tập thể" của phương Tây trước cáo buộc Nga có kế hoạch động binh với Ukraine đã không chuyển thành "hành động tập thể". Trong khi đó, Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc nói trên.
Cũng tại sự kiện Hội nghị An ninh Munich, ông Zelensky nói rằng, nếu phương Tây thực sự muốn giúp Kiev trong căng thẳng với Nga, họ nên dừng việc đưa ra dự đoán về thời điểm hay khả năng Nga có thể "động binh" với Ukraine.
"Để giúp Ukraine, không cần thiết phải liên tục nói về ngày mà Nga có thể có hành động quân sự", ông Zelensky nói.
Trước đó, giới chức Ukraine đã nhiều lần cho rằng, phương Tây đang thổi phồng nguy cơ xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga, gây ra tình trạng "hoảng loạn" cũng như gây bất ổn cho kinh tế nước này.
Trong thời gian qua, phương Tây đã phát đi hàng loạt cảnh báo về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự ở Ukraine và đã tiến hành di tản nhà ngoại giao, cũng như vận động người dân về nước. Trong diễn biến mới nhất, NATO đã điều chuyển quan chức từ Kiev tới thành phố phía tây Lviv và thủ đô Brussels của Bỉ vì lý do an toàn.