1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine "cân não" trước nguy cơ kinh tế bị tê liệt vì nỗ lực tuyển quân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Ukraine kêu gọi thực hiện những thay đổi trong dự thảo luật về tuyển quân ra tiền tuyến, cảnh báo chúng có thể khiến nền kinh tế nước này tê liệt.

Ukraine cân não trước nguy cơ kinh tế bị tê liệt vì nỗ lực tuyển quân - 1

Nhà máy hóa chất và than cốc Avdiivka, nơi đã diễn ra cuộc chiến dữ dội giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Ukraine cảnh báo những cải cách trong nỗ lực tuyển quân của Kiev có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn của quốc gia Đông Âu.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Ukraine đang thảo luận về một dự luật nhằm thắt chặt các quy định về việc tuyển quân ra tiền tuyến.

Hai năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, vấn đề này trở nên rất nhạy cảm đối với quân đội, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng nói chung.

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu, tổ chức gồm khoảng 1.000 công ty Ukraine, cho biết trong một tuyên bố: "Các doanh nghiệp đề nghị quốc hội không làm tê liệt nền kinh tế đất nước bằng luật huy động mới. Cần có sự cân bằng giữa mặt trận quân sự và nền kinh tế".

Những lo ngại của các doanh nghiệp ở Ukraine liên quan tới nguy cơ bị mất nhân sự để vận hành hoạt động sản xuất trong bối cảnh Kiev nhiều lần thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc đưa quân ra tiền tuyến trước lực lượng Nga đông đảo gấp nhiều lần về tiềm lực.

Nó cho thấy giới chính trị Ukraine đang phải "đi trên dây" để đảm bảo cân bằng giữa việc bổ sung nguồn lực ra chiến trường, đồng thời bảo vệ nền kinh tế trở nên mong manh và dễ sụp đổ trong thời chiến.

Chính quyền Ukraine đã hành động để thắt chặt các quy định về tuyển quân vào cuối năm ngoái khi các hoạt động giao tranh trong cuộc chiến không có dấu hiệu dừng lại và không còn nhiều người muốn tình nguyện ra trận.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng ông đang xem xét đề xuất huy động thêm nửa triệu người vào quân đội.

Chính phủ đã soạn thảo luật, nhưng dự thảo ban đầu đã gây ra làn sóng phản đối từ các nhà phân tích và nhà lập pháp, những người cho rằng một số đề xuất là không phù hợp với hiến pháp Ukraine.

Dự luật đã được sửa đổi và một phiên bản mới đã giành được sự ủng hộ ban đầu tại quốc hội. Dự luật đề xuất cắt giảm tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25, hạn chế việc trì hoãn nhập ngũ và tăng tiền phạt cũng như hình phạt đối với hành vi trốn quân dịch.

Hội đồng Doanh nghiệp Ukraine, nơi tập hợp hơn 100 hiệp hội, kêu gọi chính phủ loại bỏ các quy định có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng trong tình trạng sống còn.

Nghị sĩ David Arakhamia thừa nhận giới chức Ukraine đang cố tìm cách cân bằng giữa mong muốn của bộ chỉ huy quân sự, doanh nghiệp và người dân, nhưng nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Các hiệp hội doanh nghiệp đã yêu cầu có quy định rõ hơn về việc tuyển mộ những người lao động trong lĩnh vực có tay nghề cao.

Mariia Shevchuk, người đứng đầu Hiệp hội Công nghệ thông tin Ukraine, nói với Reuters rằng chỉ có khoảng 1% trong số 360.000 lực lượng lao động trong ngành trên được hoãn nhập ngũ. Khoảng 75% lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin là nam giới.

Doanh nghiệp Ukraine lo về đà tiến "đáng báo động" của Nga

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu doanh nghiệp thép lớn của Ukraine Metinvest đã gọi bước tiến của Nga ở miền Đông là "đáng báo động". Miền Đông Ukraine, chiến trường của cuộc chiến dữ dội giữa 2 bên, là nơi mà Kiev đặt những cơ sở luyện kim, sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước.

Việc Nga giành được Avdiivka tuần trước cho phép Moscow nắm toàn quyền kiểm soát nhà máy than cốc rộng lớn thời Liên Xô của Metinvest.

Chiến tuyến hiện nằm trong bán kính 40km từ Pokrovsk, nơi Metinvest điều hành mỏ than lớn nhất Ukraine và nhà máy thép lớn nhất ở Zaporizhia về phía nam.

"Đà tiến của Nga là khá đáng báo động", Yury Ryzhenkov, giám đốc điều hành của Metinvest, thừa nhận.

Khi được hỏi liệu Metinvest hiện có đang chuẩn bị cho việc Pokrovsk và Zaporizhia bị tấn công hay không, ông thừa nhận Ukraine khó có thể làm gì khác ngoài kế hoạch sơ tán cơ bản vì quy mô cơ sở hạ tầng khổng lồ mà họ có sở hữu.

Ông kêu gọi phương Tây gia tăng viện trợ để Ukraine có thể bảo vệ các cơ sở chủ chốt trong ngành công nghiệp nặng của nước này.

Ngành sắt thép sử dụng khoảng 600.000 nhân sự và đóng góp khoảng 10% GDP của Ukraine trước cuộc chiến với Nga. Con số đó đã giảm mạnh vào năm 2022 khi Nga giành được các cảng quan trọng nhưng việc mở lại một số tuyến đường biển trong 6 tháng qua đã thúc đẩy sự phục hồi.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 9.000-10.000 công nhân đã phải nhập ngũ và ông Ryzhenkov cảnh báo nếu Ukraine siết chặt luật tuyển quân, ngành thép của nước này sẽ không thể đảm bảo đủ lao động để vận hành.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine