1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine biến bom chùm thành vũ khí "tâm lý chiến" với Nga thế nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến cho biết bom chùm Mỹ viện trợ đã giúp Kiev gây ra tác động về tâm lý đối với các lực lượng Nga.

Ukraine biến bom chùm thành vũ khí tâm lý chiến với Nga thế nào? - 1

Một pháo tự hành của Ukraine khai hỏa (Ảnh: AP).

Cách một đống bom chùm do Mỹ sản xuất vài bước chân, một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên 50 lần một ngày, đánh dấu loạt đạn mới nhất từ đội pháo binh Ukraine đang tìm cách kìm chân lực lượng Nga tiến lên.

"Khi chúng tôi bắt đầu bắn bom chùm, người Nga biến mất sau lớp bảo vệ. Họ thậm chí sẽ không thò mũi ra ngoài", Stanislav, một sĩ quan quân đội Ukraine chiến đấu tiền tuyến vài km, cho biết.

Nhóm pháo binh Ukraine lần đầu tiên nhận được bom chùm do Mỹ sản xuất cách đây vài tuần sau quyết định của Tổng thống Joe Biden quyết định viện trợ loại vũ khí gây tranh cãi cho Kiev.

Hơn 120 quốc gia đã cấm bom chùm vì những mối đe dọa nghiêm trọng và dai dẳng nó để lại, nhưng Mỹ, Nga và Ukraine không có trong danh sách này. Quyết định của ông Biden thậm chí cũng bị một số đồng minh NATO phản đối và gây ra tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.

Tuy nhiên, với Ukraine, quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng, bom chùm đã giúp họ trong việc chặn đà tiến của Nga.

"Bom chùm giúp chúng tôi gia tăng thiệt hại của Nga một cách đáng kể", Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho hay.

Bom chùm phát nổ bên trên mục tiêu, giải phóng hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ trên một khu vực rộng bằng vài sân bóng đá. Các quả bom nhỏ sau đó phát nổ thành các mảnh kim loại có thể gây chấn thương nghiêm trọng.

Nhiều quả bom con có khả năng chưa phát nổ hết và nằm lại dưới đất, gây ra nguy cơ dai dẳng trong hàng chục năm sau. 

Ukraine biến bom chùm thành vũ khí tâm lý chiến với Nga thế nào? - 2

Cơ chế hoạt động của bom chùm (Ảnh: Guardian).

Vũ khí "tâm lý chiến"

Bom chùm không thể tấn công binh sĩ Nga ẩn nấp trong hố cá nhân, nhưng dễ gây ra tổn thương nguy hiểm với những quân nhân không có lớp bảo vệ đang tấn công qua phòng tuyến.

"Lợi ích chính của bom chùm là giờ đây đối thủ cảm thấy rất e ngại khi phải tấn công", sĩ quan Stanislav cho hay. Đòn "tâm lý chiến" này khá quan trọng khi Nga đang mở mũi tấn công xuyên phá gần thị trấn Lyman ở Donesk và Kupyansk ở Kharkov.

Nga đang buộc Ukraine phải bảo vệ những thành phố ở phía đông và đông bắc vào thời điểm Kiev cần binh lính tập trung vào cuộc phản công ở phía nam. Bom chùm giúp Ukraine làm chậm bước tiến của Nga và cho phép Kiev bảo toàn sức mạnh lực lượng.

Đơn vị của sĩ quan Stanislav bắn đạn chùm từ một chiếc M109 Paladin nép mình dưới tán cây cao và cành thông bị chặt.

Stanislav cho biết, lựu pháo tự hành do Mỹ sản xuất có thể bắn một đầu đạn chùm ở khoảng cách hơn 24km và có thể điều chỉnh độ phân tán của các quả bom nhỏ tùy vào chiến thuật của người điều khiển. Ukraine cũng được trang bị bom chùm có khả năng rải mìn trên mặt đất.

Ở phía nam và phía đông, gần các thành phố của Ukraine như Vuhledar, các đội pháo binh Ukraine cũng sử dụng đạn chùm của Mỹ, bắn chúng từ pháo Paladin hoặc M777.

Khi tấn công, Ukraine sử dụng bom chùm để bắn vào những khu rừng rậm rạp nếu không xác định được vị trí chính xác của lực lượng Nga.

Mục đích của việc này là nhằm tấn công các phương tiện không bọc thép và rải bom nhỏ vào vị trí của bộ binh đối phương để buộc họ phải nấp trong hố cá nhân dẫn đến không thể bắn trả.

Các binh sĩ Ukraine cho biết bom chùm cũng cho phép các lực lượng tấn công của họ tiến gần hơn đến các vị trí kiên cố của Nga vì bộ binh đối phương phải cố thủ trong boongke để tránh bị thương.

Một chiến thuật khác của Ukraine là buộc bộ binh Nga ra khỏi hố cá nhân bằng cách sử dụng pháo và sau đó Kiev chuyển sang sử dụng bom chùm khi các quân nhân Moscow ra khỏi hố.

Bom chùm đã giúp Ukraine đối phó với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, đặc biệt vào thời điểm họ rất cần đạn để phản công Nga. Theo Washington Post, nếu không có bom chùm, Kiev có lẽ sẽ không thể duy trì cuộc phản công đủ lâu trước khi giành được đột phá.

Theo Washington Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine