1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

UAV Nga lao thẳng xuống mục tiêu, cường kích Su-25 Ukraine nổ như "cầu lửa"

Đức Hoàng

(Dân trí) - UAV Lancet của Nga tấn công máy bay cường kích Su-25 của Ukraine đậu tại căn cứ không quân, khiến nó nổ tung.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/6 công bố đoạn video được mô tả là UAV Lancet của nước này phá hủy máy bay cường kích Su-25 Ukraine ở trong căn cứ quân sự.

Đoạn video do một UAV trinh sát quay lại cho thấy Lancet lao thẳng xuống chiếc Su-25 đậu tại đường băng, gây ra vụ nổ lớn như "cầu lửa".

UAV Nga lao thẳng xuống mục tiêu, cường kích Su-25 Ukraine nổ như "cầu lửa" (Video: RT).

Nga không nêu rõ địa điểm xảy ra vụ tấn công. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga vào cùng ngày tuyên bố Moscow đã phá hủy một chiếc Su-27 và một chiếc Su-25 của Ukraine tại các căn cứ đối thủ.

Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ tấn công tự sát như cơ chế của một tên lửa không đối đất. UAV này được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như "trong một cuộc phẫu thuật".

UAV Lancet của nhà thầu ZALA Aero được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.

Lancet có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Lancet được nhận định là có thể gây ra thiệt hại lớn với các trang thiết bị quân sự của đối phương. Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ).

Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, UAV Lancet được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Trong khi một số vũ khí khác của Nga thể hiện ở mức dưới tầm kỳ vọng thì Lancet đang thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.

Theo ông Hambling, Lancet được xem là vũ khí hiệu quả nhất của Nga trong thời gian qua. Lancet từng tấn công và phá hủy xe tăng Leopard-2 do Đức sản xuất có giá 11 triệu USD.

Ngoài ra, Lancet cũng phá hủy mục tiêu giá trị cao khác của Ukraine như bệ phóng tên lửa phòng không, tổ hợp radar. Việc Ukraine mất các vũ khí này giúp Nga tiếp tục duy trì thế áp đảo trên không đối với đối thủ tại nhiều điểm nóng trên tiền tuyến.

Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác.

Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự.

Thứ hai, do khá nhỏ, nhẹ, nên Lancet gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống.

Thứ ba, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm