Trung Quốc phải lĩnh hậu quả vì phá vỡ luật pháp quốc tế
(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm nay cho rằng Trung Quốc đang khiến an ninh và sự ổn định của Biển Đông bị nguy hiểm, và nước này phải đối mặt với hậu quả vì phá vỡ luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại Viện các vấn đề quốc gia Nhật Bản ở Tokyo ngày 26/2, ông Abbott nói rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông gây ra những tổn thất lớn về môi trường, đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền và hạn chế tự do hàng hải.
“Điều đó đang gây nguy hiểm cho an ninh và sự ổn định, vốn quyết định sự thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới”, AAP dẫn lời ông Abbott.
“Thách thức đối với tất cả chúng ta là phải hành động để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ tốt hơn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, điều tạo nên ổn định mà nhờ đó Trung Quốc có thể phát triển thịnh vượng”, cựu Thủ tướng Úc nói.
Ông Abbott cho hay Úc đã lặng lẽ gia tăng các hoạt động tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông trong 18 tháng qua.
“Chúng ta nên sẵn sàng để thực thi quyền tự do hàng hải, nơi luật pháp quốc tế cho phép bởi vì đây không phải là điều Mỹ phải thực hiện một mình”.
“Khi các quốc gia, kể cả những nước rất mạnh, không tuân thủ luật pháp thì họ phải gánh chịu hậu quả, nhưng cũng nên có lợi ích nếu họ tuân thủ”, cựu Thủ tướng Úc nhấn mạnh.
Không thể nhân nhượng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của Úc liên tục có những phát ngôn mạnh mẽ về Biển Đông gần đây.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo Công đảng Úc Kim Beazley ngày 26/2 nói rằng Úc nên tiến hành thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Phát biểu trong chương trình 7.30 của đài ABC, ông Beazley, người vừa trở về Úc sau khi hoàn thành nhiệm kỳ đại sứ tại Mỹ, cho biết không thể nhân nhượng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Không có gì khiêu khích bằng việc xây các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà thế giới không chấp nhận là nằm trong ranh giới của họ”, ông Beazley nói, liên hệ tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. “Đó là điều rất, rất khiêu khích”.
Ông Beazley nói Úc phải tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên biển cũng như trên không trong khu vực.
“Chúng ta không nên làm vậy một cách ầm ĩ. Chúng ta cũng không nên làm thế để nhạo báng hay làm bẽ mặt. Chúng ta không nên làm thế để đối đầu. Chúng ta nên làm vậy trên cơ sở luật pháp”, cựu Đại sứ nhấn mạnh.
Ông Beazley, Đại sứ Úc tại Washington trong 6 năm, cho hay Mỹ đang gia tăng sức ép lên Úc nhằm tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.
“Chắc chắn họ muốn chúng ta làm như vậy. Họ muốn các nước trong khu vực cũng làm vậy”, ông nhấn mạnh.
Ông Beazley nói Washington tin rằng Úc sẽ không bị ảnh hưởng bởi sức mạnh kinh tế hay quân sự của Trung Quốc, nhưng các quốc gia khác có thể không. “Họ đặt niềm tin vào Úc, nhưng họ rất lo ngại. Họ lo ngại về sức ép từ Trung Quốc trong khu vực”.
Theo ông Beazley, vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đòi là của mình có vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế đối tất cả các quốc gia trong khu vực và việc đi lại tự do là cốt yếu.
“Chúng ta đang bàn tới một trong những vùng biển rất quan trọng và ảnh hưởng kinh tế của những nguyên tắc đang bị phá vỡ là rất lớn, vì vậy chúng ta phải có lập trường rõ ràng”, ông Beazley nhấn mạnh.
Ông Beazley, Bộ trưởng Quốc phòng Úc trong 6 năm dưới thời Thủ tướng Bob Hawke, cho rằng nếu Úc tuần tra Biển Đông Trung Quốc phải tôn trọng hành động của Úc.
“Khi mọi việc trở thành bình thường, họ sẽ phải quen với điều đó. Cách tốt nhất để làm điều đó là làm thường xuyên. Vì thế bạn không cần phải đưa các tuyên bố, hãy cứ làm thôi”, ông nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne ngày 25/2 cho biết bà không bình luận về các hoạt động của lực lượng quốc phòng Úc tại Biển Đông, nhưng chính phủ tuyên bố rõ rằng các quốc gia nên được di chuyển tự do qua khu vực.
“Chúng tôi duy trì ủng hộ quyền thực thi tự do hàng hải và tự do bay phù hợp luật pháp quốc tế và chúng tôi cũng ủng hộ quyền đó của các quốc gia khác”, bà Payne nói.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews thì cho hay Úc chưa hành động quyết liệt và hối thúc chính phủ nước này điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
An Bình
Tổng hợp