1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc đang khơi mào cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương

(Dân trí) - Việc Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quân sự và các động thái khẳng đòi chủ quyền phi lý đang khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngay cả khi nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế.

Trung Quốc phô trương tên lửa Đông Phong tại một lễ duyệt binh. (Ảnh: AirPower)
Trung Quốc phô trương tên lửa Đông Phong tại một lễ duyệt binh. (Ảnh: AirPower)

Theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu hòa bình và quốc tế Stockholm (IISS), trong 5 năm qua, trong số 10 quốc gia nhập khẩu trang thiết bị quân sự nhiều nhất thế giới thì có 6 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong đó, Ấn Độ là nước nhập khẩu nhiều nhất, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3 sau Ả rập Xê út, báo cáo cho biết.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của một nước thường gắn liền với sức khỏe của nền kinh tế, tuy nhiên, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương kiên quyết không cắt giảm ngân sách chi tiêu quân sự ngay cả khi nền kinh tế suy giảm do giá hàng hóa giảm và do tác động từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Theo IISS, năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia thuộc nhóm nước công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự.

Chi tiêu quân sự trung bình của châu Á chiếm khoảng 1,48% GDP khu vực, cao nhất kể từ năm 2010. Trong đó, Trung Quốc chiếm 41% chi tiêu quân sự toàn khu vực, cao hơn nhiều so với Ấn Độ là 13,5%, Nhật Bản là 11,5%.

Tạp chí quân sự IHS Jane’sước tính, chi tiêu quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 533 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 435 tỷ USD năm ngoái.

Vấn đề lớn gây lo ngại cho các nước trong khu vực đó chính là những động thái khiêu khích của Trung Quốc khi xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền phi lý tại vùng biển này. Trong một động thái khiêu khích mới nhất, gần đây, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng theo IHS Jane’s, chi tiêu quân sự của Trung Quốc không có dấu hiệu ngừng gia tăng. Theo tổ chức này, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể đạt 225 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 191 tỷ USD năm 2015, sau khi đã tăng 43% kể từ năm 2010.

Để bù đắp lại chi tiêu quân sự kỷ lục, Trung Quốc cũng dần chuyển sang thành một quốc gia xuất khẩu lớn đối với các vũ khí công nghệ thấp. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong giai đoạn 2011-2015, chiếm 5,9% giá trị xuất khẩu toàn cầu. Như vậy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn chỉ sau Mỹ (33%) và Nga (25%), sau khi vượt Pháp, Đức và Anh.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể không còn nằm trong top 3 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất khi đã có thể tự cung tự cấp. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu các thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại như động cơ máy bay chiến đấu.

Minh Phương

Theo WSJ