1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc có thể bị cô lập trong trật tự kinh tế thế giới mới sau Covid-19

(Dân trí) - Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ bị cô lập trong trật tự kinh tế thế giới mới sau đại dịch Covid-19, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc Long Yongtu cảnh báo.

Trung Quốc có thể bị cô lập trong trật tự kinh tế thế giới mới sau Covid-19 - 1

Ông Long Yongtu (Ảnh: AFP)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cảnh báo trên của cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Long Yongtu, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho thấy những lo ngại ở Bắc Kinh về việc Trung Quốc có thể bị cô lập về địa chính trị do ảnh hưởng của Covid-19.

Khi ngày càng nhiều nước nối gót Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong việc ứng phó dịch Covid-19 thì cũng ngày càng có nhiều giả thuyết cho rằng Washington và các đồng minh sẽ tìm cách loại Bắc Kinh khỏi trật tự kinh tế toàn cầu mới.

Một kịch bản như vậy sẽ kéo theo thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị cho Trung Quốc trong những năm tới ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh.

"Sau đại dịch sẽ có những thay đổi lớn trong thương mại, đầu tư cũng như chuỗi công nghiệp toàn cầu. Đại dịch đã gây tổn thất nặng nề đối với quá trình toàn cầu hóa", ông Long bình luận, đồng thời hối thúc doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mở rộng kinh doanh, đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc có thể bị cô lập trong trật tự kinh tế thế giới mới sau Covid-19 - 2

Một phụ nữ đeo mặt nạ bảo hộ tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung toàn cầu, bộc lộ sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào Trung Quốc về các hàng hóa thiết yếu và làm dấy lên lo ngại một cuộc tháo chạy thậm chí với tốc độ nhanh hơn trước kia của các doanh nghiệp nước ngoài. Xu hướng tháo chạy này đã bắt đầu từ khi thương chiến Mỹ - Trung Quốc nổ ra năm 2018.

“Chúng tôi có mọi lý do để nói rằng một liên minh toàn cầu đang được lập ra không có Trung Quốc, không có Nhân dân tệ”, Li Yang, giám đốc Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc về Tài chính và Phát triển, nhận định.

Cao Dewang, một doanh nhân sở hữu nhà máy sản xuất kính ô tô ở Trung Quốc, hồi tháng trước cảnh báo vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch có thể bị suy yếu.

Ngoài sức ép về kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và các quốc gia khác cũng gây sức ép địa chính trị với Trung Quốc khi kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19. Giới chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 gây viêm phổi cấp Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến Covid-19 lan rộng thành đại dịch toàn cầu.

Giới chuyên gia dự đoán, quan hệ đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, sẽ là một chủ đề quan trọng trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc bắt đầu từ ngày 22/5 tới. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn Hội đồng quốc gia Trung Quốc, nhận định đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng hơn nữa xu hướng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cả về mặt kinh tế và văn hóa.

Minh Phương

Theo SCMP