1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đối mặt phép thử chưa từng có vì Covid-19

(Dân trí) - Trung Quốc có nguy cơ đánh mất những thành tựu xã hội đạt được trong nhiều năm qua khi nước này đối mặt với suy giảm kinh tế chưa từng có do đại dịch Covid-19.

Trung Quốc đối mặt phép thử chưa từng có vì Covid-19 - 1

Thị trường việc làm Trung Quốc đối mặt nhiều sức ép do Covid-19. (Ảnh: Getty)

Thị trường việc làm đối mặt sức ép

Trong vài năm trở lại đây, sự ổn định của thị trường lao động Trung Quốc được hỗ trợ đáng kể nhờ sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, cho phép các lao động nhà máy vừa bị mất việc có thể tạm thời làm các công việc như giao hàng, nhân viên bán hàng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ điều này, khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và dẫn đến những hệ lụy xã hội khác.

Không khó để thấy những cửa hàng, nhà hàng lớn gần các trường học vẫn chật vật do sinh viên chưa đi học trở lại. Tại một số trung tâm sản xuất, lao động nhập cư vẫn đang chờ nhà máy hoạt động trở lại khi thời hạn mở cửa bị kéo dài ra do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.

Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu tái khởi động nền kinh tế từ giữa tháng 2 sau một thời gian dài phong tỏa, nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn chật vật phục hồi. Lần đầu tiên trong nhiều thập niên trở lại đây, thị trường lao động Trung Quốc chịu sức ép trên nhiều mặt trận.

"Do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, sức ép lên kinh tế Trung Quốc đã tăng đáng kể, tình hình thị trường việc làm tiếp tục xấu đi. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ ổn định thị trường việc làm vốn khó khăn nay lại càng thêm phức tạp và khó khăn", hai chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế Tài chính Thành Đô nhận định cuối tháng trước.

Mặc dù việc doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất việc làm không rất dễ thấy nhưng thực trạng thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Không số liệu nào của chính phủ Trung Quốc đưa ra một cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường việc làm tại đây và hầu hết chuyên gia kinh tế tin rằng số liệu chính thức chưa phản ánh đầy đủ thực trạng.

Trong số các nhóm chưa được phản ánh đầy đủ đó là 149 triệu chủ doanh nghiệp tự kinh doanh và 174 triệu lao động nhập cư, những người từ vùng quê đến các thành phố lớn tìm việc làm.

Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ 5,2% tháng 12 năm ngoái lên kỷ lục 6,2% vào tháng 2 năm nay khi Trung Quốc ở đỉnh dịch. Tỷ lệ này giảm xuống còn 5,9% vào tháng 3. Số việc làm tại các đô thị lớn trong tháng 3 giảm 6% so với thời điểm đầu tháng 1, có nghĩa là khoảng 26 triệu người đã mất việc làm.

“Điều này trái ngược với tăng trưởng 8,3 triệu việc làm tại các đô thị (của Trung Quốc) trong năm 2019, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong hơn 4 thập niên”, Qu Hongbin, kinh tế trưởng tại HSBC, nhận định.

Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, khoảng 18,3% người lao động của nước này bị cho nghỉ phép, bị giảm lương hoặc nghỉ không lương trong quý 1 năm nay. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai gói phúc lợi xã hội để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này còn tương đối hạn chế.

Kinh tế chật vật phục hồi

Trung Quốc đối mặt phép thử chưa từng có vì Covid-19 - 2
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm lần đầu tiên sau gần 30 năm do dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, GDP của nước này trong quý 1 năm nay giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tăng trưởng âm lần đầu tiên trong gần 30 năm.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng để bù đắp thua lỗ do lượng thực khách tại nhà hàng giảm mạnh. Tuy nhiên, một nửa số doanh nghiệp trong số này nói rằng, lượng đơn đặt hàng vẫn tương đối thấp, cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn phục hồi chậm chạp.

Tính chung, doanh thu của các nhà hàng chỉ phục hồi được khoảng 60% mức trước khủng hoảng Covid-19, số liệu của tổ chức Hualala cho biết. Nhiều chủ doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh, sa thải hàng loạt lao động. Một khảo sát hồi tháng 4 của Hiệp hội khách sạn Trung Quốc đối với 300 khách sạn tại nước này cho thấy, 1/4 trong số này đã cắt giảm ít nhất 20% nhân sự.

“Vẫn còn phải chờ xem người tiêu dùng Trung Quốc sẽ thích ứng ra sao với cuộc sống bình thường mới và tốc độ phục hồi  của nền kinh tế sau cú sốc xuất khẩu. Nếu xuất khẩu không phục hồi trong nửa sau của năm và người tiêu dùng tiếp tục thận trọng với các kế hoạch chi tiêu, du lịch, số người thất nghiệp có thể vẫn ở mức cao, khoảng 30 triệu người vào cuối năm nay”, Yao Wei, kinh tế trưởng tại ngân hàng Societe Generale, nhận định.

Larry Hu, kinh tế trưởng tại Macquarie Group, ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể lên 9,4% vào cuối năm nay.

 Minh Phương

Theo SCMP