1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên và nỗ lực thoát khỏi “cái bóng” của Trung Quốc

(Dân trí) - Ngoài phát triển chương trình vũ khí hạt nhân để chống lại kẻ thù bên ngoài, Triều Tiên đang nỗ lực tập trung vào sản xuất những mặt hàng nhu yếu phẩm nhằm giảm thiểu tình trạng nền kinh tế phụ thuộc gần như toàn bộ vào Trung Quốc.

Bên trong 1 siêu thị ở Triều Tiên (Ảnh: Business Insider)
Bên trong 1 siêu thị ở Triều Tiên (Ảnh: Business Insider)

Nền kinh tế cởi mở hơn

Thời gian gần đây, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới với tuyên bố cân nhắc tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Song đó chỉ là một phần trong chiến lược phát triển Triều Tiên của ông về cả quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, giống vũ khí hạt nhân, việc phát triển kinh tế cũng rủi ro không kém.

Lệnh trừng phạt từ quốc tế cùng với việc nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc đã dẫn tới sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Triều Tiên. Điều này có thể khiến “bong bóng kinh tế” Triều Tiên vỡ bất cứ lúc nào. Đơn cử như trong vòng 6 tháng qua, giá nhập khẩu xăng dầu đã tăng tới 200%.

Khẩu hiệu của ông Kim Jong-un mang tên “phát triển song song”, nhằm phát triển cả chương trình vũ khí hạt nhân chống lại các thế lực thù địch ngoài lãnh thổ, mặt khác phát triển nền kinh tế sản xuất nhằm tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào láng giềng Trung Quốc.

Các nhà máy ở Triều Tiên bắt đầu ưu tiên sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày đa dạng về chủng loại, cải tiến về chất lượng. Các nhà quản lý được tự do hơn trong việc quyết định làm gì, trả lương công nhân bao nhiêu, làm sao để hợp tác mang lại lợi nhuận.

Trên những con đường ở các thành phố Triều Tiên xuất hiện những người bán hàng rong rau củ, hoa quả và những đồ ăn khác. Mặt hàng điện thoại thông minh do Bình Nhưỡng sản xuất đã xuất hiện trên kệ hàng với giá 200 USD. Nhà máy bia hàng đầu của Bình Nhưỡng, Taedonggang, vừa bổ sung dòng sản phẩm bia thứ 8 vào dây chuyền sản xuất.

Mặc cho lệnh trừng phạt với cấp độ ngày càng cao hơn, những mặt hàng nước ngoài vẫn xuất hiện tại đây. Từ một lon cà phê Nhật Bản cho tới một chiếc xe hơi nước ngoài không còn quá xa lạ với người Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc thương mại hóa một cách quá rõ ràng vẫn là điều cầm kị ở Triều Tiên. Ví dụ, chỉ có 3 biển quảng cáo lớn trên đường phố Bình Nhưỡng, không thể phát quảng cáo trên truyền hình hay đăng báo. TDù vậy, các cửa hàng không chịu sự quản lý nghiêm ngặt đã dần trở nên thân thiện với khách hàng hơn.

Đơn cử như siêu thị ở Triều Tiên đã có thể mở cửa từ 10 giờ sáng tới 8 giờ tối thay vì 6 giờ tối như trước cho phép những người làm việc muộn có thời gian mua sắm. Các chương trinh khuyến mại mua 2 tặng 1 bắt đầu trở nên phổ biến. Tờ rơi, khẩu hiệu bắt đầu được dán lên các cửa hàng. Một số nơi còn cung cấp dịch vụ thẻ khách hàng thân thiết để được giảm giá.

Có thể nói, trải qua 3 thế hệ cầm quyền của dòng họ Kim, thị trường kinh tế ở Triều Tiên có dấu hiệu phát triển hơn và nền văn hóa tiêu dùng bắt đầu hình thành tại đây.

Cái bóng quá lớn của Trung Quốc

Một phụ nữ đứng trước gian hàng mỹ phẩm ngoại nhập ở Triều Tiên. (Ảnh: AP)
Một phụ nữ đứng trước gian hàng mỹ phẩm ngoại nhập ở Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Trung Quốc không những là láng giềng mà còn là đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên trong lĩnh vực thương mại và nhiêu liệu. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, Bình Nhưỡng đã giao thương với Bắc Kinh những hợp đồng tổng trị giá 2 tỷ USD. Cắt giảm thương mại với Trung Quốc sẽ là thảm họa đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Triều Tiên, kể cả chính ông Kim Jong-un, cũng tỏ ra quan ngại về những gì có thể xảy ra nếu như 2 nước tiếp tục giao thương, thậm chí với quy mô lớn hơn.

Triều Tiên là nước nhập siêu với Trung Quốc, đặc biệt do nhu cầu năng lượng của Bình Nhưỡng. Sự chênh lệnh trong cán cân thương mại của Triều Tiên còn nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc dừng nhập khẩu từ Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều này có thể khiến Triều Tiên rơi vào cảnh thiếu thốn và lạm phát. Giá xăng dầu tăng kỷ lục vào tháng 4 năm nay. Một số trạm phải đóng cửa hoặc bán với số lượng giới hạn.

Nhà kinh tế William Brown từ đại học Georgetown (Mỹ) cho biết giá gạo ở Triều Tiên cũng tăng 20% trong vòng tháng 5 tới tháng 7 và dự đoán Triều Tiên sẽ chịu cảnh “chảy máu ngoại tệ” 200 triệu USD mỗi tháng. Ông Brown cho rằng điều này sẽ đe dọa đến sự ổn định của chính quyền Bình Nhưỡng.

Ngoài ra việc có đường biên giới sát nhau, một số doanh nghiệp Triều Tiên bắt tay làm ăn với Trung Quốc và kiếm được nguồn lợi nhuận ổn định. Tuy vậy, chính điều này lại khiến cho khoảng cách giàu nghèo trong xã hội có xu hướng tăng lên khi tiền bạc chỉ tập trung vào một nhóm người.

Chính quyền ông Kim không phải là không nhận ra vấn đề này. Triều Tiên hiện đang nỗ lực gia tăng về số lượng nâng cao về chất lượng các mặt hàng nội địa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhà nước và các nông trại Triều Tiên không thể cung cấp đủ hàng hóa hay dịch vụ cho cuộc sống của người Triều Tiên. Họ cần có thị trường, cần những mô hình kinh tế tư nhân hỗ trợ.

Cuối cùng, nền kinh tế Triều Tiên dường như sẽ song hành cùng với những cửa hiệu như Miniso. Đó là một thương hiệu quốc tế chuyên bán đồ điện, đồ gia dụng. Cửa hàng Miniso khai trương đầu tiên ở Bình Nhưỡng vào tháng 4.

Và đó là cửa hàng liên doanh với Trung Quốc.

Đức Hoàng

Theo SCMP