1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đối diện 'miệng hố chiến tranh', Triều Tiên vẫn hái quả ngọt

Tình hình Triều Tiên mới nhất, Với chiến lược đẩy tình hình đến ''miệng hố chiến tranh'' Triều Tiên đã nhận được nhiều lợi ích từ các cường quốc, trong đó có Mỹ.

Theo AP, trong mắt của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các tướng lĩnh của ông đã thắng sau sự kiện đe dọa phóng tên lửa tấn công đảo Guam.

Dù phóng tên lửa hay không thì Bình Nhưỡng đã tạo ra vở kịch vĩ đại và cảm giác bất an, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump giận dữ và báo động các đồng minh của Mỹ tại Tokyo và Seoul.

Theo giới chuyên gia, ngay từ đầu Bình Nhưỡng đã tính toán một lối thoát lớn cho chính mình. Nước này chưa bao giờ tuyên bố sẽ tấn công trực diện vào đảo Guam. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng chưa từng tuyên bố thời điểm phóng chi tiết.

"Chính quyền (Triều Tiên) đang sáng tạo ra mối đe dọa theo cách cho phép nhà lãnh đạo họ Kim rút lui mà không mất mặt", chuyên gia chiến lược hạt nhân Adam Mount, tại Trung Tâm Tiến bộ Mỹ nhận định.

Nếu bị thúc ép hơn nữa, hoặc để đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn sẽ bắt đầu vào tuần tới, Triều Tiên cũng có thể muốn tận dụng vụ phóng để cho cả thế giới thấy rằng nước này có thể làm gì và mọi chuyện có thể đi xa tới đâu.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, ông Kim không việc gì phải vội. Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California nhận định:

"Có vẻ như họ vẽ ra kịch bản này, có lẽ muốn ông Donald Trump thua thiệt nhiều lợi ích. Đó không chỉ là một lời đe dọa sáo rỗng, mà còn mang lại lợi ích khá cao. Tôi cho rằng Triều Tiên sẽ bỏ qua kế hoạch tấn công nếu cuộc khẩu chiến xuống thang".

Bình Nhưỡng nói rằng, quyết định của ông Kim tùy thuộc vào việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B từ đảo Guam tới không phận bán đảo Triều Tiên.

Nếu Washington ngừng triển khai các máy bay này thì ông Kim có thể tuyên bố chiến thắng. Còn nếu những chiếc B-1B vẫn được triển khai trên bầu trời bán đảo Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ có cớ để phóng tên lửa.

Ngoài ra, Triều Tiên có thể tỏ ra "cao thượng" không thực hiện việc phóng tên lửa vào đảo Guam. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn bảo lưu quyền tiến hành cuộc tấn công trong tương lai.

Theo AP, trong một thế giới đan xen những răn đe quân sự, cuộc chơi này mang về chiến thắng tuyệt đối cho ông Kim Jong-un.

Triều Tiên nhận món hời từ cường quốc

Theo CNBC, chương trình hạt nhân của Triều Tiên không chỉ mang ý nghĩa phô diễn sức mạnh, mà còn giúp nước này nhận về hàng tỷ USD.

Sung-Yoon Lee, giáo sư Đại học Tufts (Hàn Quốc) cho rằng: "Bình Nhưỡng kiếm được nhiều tiền từ các hành động khiêu khích. Bởi những hàng xóm giàu có thường thờ ơ với những hành vi tốt, nhưng một 'quả táo xấu' lại thu hút đòn bẩy và hàng tỷ USD viện trợ".

Theo giáo sư Lee, chính những quốc gia chỉ trích việc phát triển chương trình hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại cung cấp những khoản viện trợ với danh nghĩa "ngoại giao kiểm soát thiệt hại" cho Triều Tiên.

Nguy cơ mất an toàn từ các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng giúp nhận lại sự nhượng bộ từ các quốc gia khác.

Ông cho biết, trong một phần tư thế kỷ gần đây, Triều Tiên đã thu về khoảng 20 tỷ USD tiền mặt, thực phẩm, nhiên liệu và dược phẩm từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là kết quả của việc lặp lại lời hứa phi hạt nhân hóa.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Washington đã gửi 1,3 tỷ USD viện trợ không điều kiện cho Triều Tiên từ năm 1995 đến năm 2008. Khoảng 60% là viện trợ lương thực, phần còn lại là năng lượng.

Gần đây nhất vào tháng 1/2017, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama cũng gửi 1 triệu USD để cứu trợ lũ lụt cho Bình Nhưỡng thông qua Liên Hiệp Quốc, trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng chính thức viện trợ cho nước láng giềng phương Bắc 7 tỷ USD từ 1998 đến 2007, gồm tiền mặt, lương thực, phân bón và vật tư y tế.

Năm 2013, Seoul đã thông qua khoản viện trợ 6 triệu USD dành cho trẻ em Triều Tiên. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng cho biết sẵn sàng chi 6 triệu USD giúp Triều Tiên tiến hành điều tra dân số.

Còn Trung Quốc - nước bảo trợ chính của Triều Tiên, cũng cung cấp 1 tỷ tới 1,5 tỷ USD kể từ năm 2003.

Theo Thùy Dương

Báo Đất Việt