1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên trở thành “công xưởng” sản xuất hàng dệt may Trung Quốc

(Dân trí) - Sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp dệt may của Bình Nhưỡng đã trở thành ngành đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc.


Công nhân dệt may Triều Tiên (Ảnh minh họa: AP)

Công nhân dệt may Triều Tiên (Ảnh minh họa: AP)

SCMP đưa tin ngày 21/8, dựa vào dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, dệt may đã vượt than đá trở thành mặt hàng Triều Tiên xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc vào quý 2/2017 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Trong tổng kim ngạch 385,2 triệu USD Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý này, ngành dệt may chiếm 38%, tương đương 147,5 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng ước đạt 35 triệu USD.

Trung Quốc đã nhập khẩu 68 triệu USD mặt hàng hải sản của Triều Tiên trong quý 2 trước khi Trung Quốc tiến hành ngừng nhập khẩu mặt hàng này vào ngày 15/8. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong kim ngạch xuất khẩu than đá của Triều Tiên. Vào quý 1, doanh thu từ than đá ước đạt 220,6 triệu USD chiếm 43%, tuy nhiên sang đến quý 2, khoản này đã giảm xuống bằng 0.

Hồi tháng 2, Trung Quốc đã tuyên bố tạm ngừng nhập than từ Triều Tiên đến hết năm, dẫn đến sự tụt giảm nghiêm trọng nguồn ngoại tệ đổ vào Triều Tiên. Vào ngày 15/8, Trung Quốc tiếp tục nối dài bản danh sách cấm nhập khẩu với các mặt hàng khoáng sản và thủy hải sản theo lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc ban hành do Triều Tiên liên tiếp thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.

Các chuyên gia cho rằng, lệnh trừng phạt mới nhất sẽ khiến dệt may trở thành mặt hàng chính, mang lại nguồn ngoại tệ cao nhất cho Triều Tiên trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Justin Hastings, chuyên gia quan hệ quốc tế đến từ đại học Sydney, Australia cho biết các công ty Trung Quốc đang hưởng lợi từ việc hợp tác sản xuất hàng dệt may với Triều Tiên.

“Dệt may là ngành có giá trị gia tăng thấp, không áp lực về mặt thời gian vì vậy ngành này rất lý tưởng cho công nhân Triều Tiên với mức lương thấp và khả năng làm việc không cao. Các công ty Trung Quốc đã hưởng lợi từ điều này để sản xuất quần áo với chi phí thấp sau đó xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc”, ông Hastings cho biết.

“Hàng may mặc được sản xuất ở các công ty liên doanh Trung - Triều hoặc công ty Triều Tiên theo hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Sau đó các công ty Trung Quốc nhập khẩu lại để bán tại Trung Quốc hoặc những nơi khác”, ông Hastings chia sẻ thêm.

Ông Hwang Jae-ho, chuyên gia phân tích an ninh khu vực tại Đại học ngoại ngữ Hankuk, Seoul, Hàn Quốc cho rằng giao thương ngành hàng dệt may Trung - Triều có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.

Ông Hwang cũng nhận định: “Việc Trung Quốc nhanh chóng ngừng nhập khẩu khoáng sản và thủy hải sản từ Triều Tiên không có ý gây tổn hại đến nền kinh tế Bình Nhưỡng, đó chỉ là động thái cho Washington thấy rằng Bắc Kinh không hài lòng với Bình Nhưỡng”.

Đức Hoàng