1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên đã khai thác thị trường “chợ đen” để phát triển tên lửa?

(Dân trí) - Tờ Sun (Anh) cho rằng mặc dù bị cấm vận và chịu các lệnh trừng phạt liên tiếp của cộng đồng quốc tế nhưng Triều Tiên đã biết cách khai thác các thỏa thuận ngầm cũng như những lợi thế từ thị trường “chợ đen” để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.

Đầu đạn và thiết kế tên lửa: Trung Quốc và Pakistan?

Theo Sun, mẫu thiết kế đầu đạn tên lửa hình chóp của Triều Tiên, vốn được nhìn thấy trên tên lửa đạn đạo Hwasong-14, được xây dựng dựa trên một mẫu thiết kế của Trung Quốc. Trung Quốc, hoặc đồng minh thân cận của nước này là Pakistan, có thể đã trực tiếp cung cấp mẫu thiết kế đầu đạn, hoặc đầu đạn hoàn thiện, cho Triều Tiên.

“Các nguồn tin ở Ấn Độ tin rằng Trung Quốc chính là nơi phát triển công nghệ đầu đạn tên lửa Ababeel và thực chất Pakistan là nước đã chuyển giao những công nghệ do Trung Quốc phát triển này cho Triều Tiên”, Rick Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Thẩm định Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Theo ông Fisher, có thể không phải là Pakistan, mà chính Trung Quốc là nước trực tiếp cung cấp công nghệ đầu đạn tên lửa cho Triều Tiên.

“Khi chương trình phát triển tên lửa Hwasong bắt đầu được khởi động từ thời nhà lãnh đạo Kim Jong-il, đó có thể là thời điểm Trung Quốc chuyển giao công nghệ nguyên bản này cho Triều Tiên, và sau đó chính công nghệ này đã được sử dụng để chế tạo đầu đạn tên lửa Ababeel cho Pakistan thử nghiệm”, chuyên gia Fisher cho biết thêm.

Không chỉ giới chuyên gia mà ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng từng nêu đích danh Trung Quốc là nước có mối liên hệ từ lâu với chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Động cơ tên lửa: Nga thông qua Ukraine?

Những loại tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu (Ảnh: NTI)
Những loại tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu (Ảnh: NTI)

Sun dẫn lời một chuyên gia cho biết, sự thành công của Triều Tiên trong việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ là nhờ vào việc mua bán các động cơ tên lửa từ một nhà máy của Ukraine, vốn có quan hệ với chương trình tên lửa của Nga, trên thị trường chợ đen.

Nhận định trên có thể được đưa ra để giải thích cho việc tại sao Triều Tiên có thể đạt được thành công nhanh chóng như vậy trong chương trình phát triển tên lửa ICBM trong khi trước đó Bình Nhưỡng liên tiếp gặp thất bại với loại tên lửa này?

Theo nhà nghiên cứu Michael Elleman, chuyên gia tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, sau nhiều vụ thử thất bại, Triều Tiên đã quyết định thay đổi mẫu thiết kế cũng như nhà cung cấp thiết bị tên lửa để tiếp tục chương trình phát triển vũ khí.

Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA)

Các nhà phân tích từng nghiên cứu những bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát các động cơ tên lửa mới của Triều Tiên chỉ ra rằng, những động cơ này bắt nguồn từ những thiết kế từng được sử dụng cho các tên lửa của Liên Xô.

Các động cơ này mạnh tới mức chỉ một tên lửa cũng có thể phóng 10 đầu đạn nhiệt hạch tới các lục địa khác nhau trên trái đất. Điều đáng nói là những động cơ này chỉ có liên hệ tới một số ít các cơ sở của Liên Xô trước đây.

Các nhà điều tra và giới chuyên gia đã tập trung sự nghi vấn vào một nhà máy tên lửa ở Dnipro, Ukraine và cho rằng đây chính là nơi cung cấp các động cơ tên lửa cho Triều Tiên thông qua thị trường chợ đen.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhà máy này đã sản xuất ra những tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của Liên Xô, bao gồm cả tên lửa hạng nặng SS-18. Nhà máy tại Ukraine vẫn là một trong những nơi chế tạo tên lửa chủ yếu của Nga ngay cả khi Ukraine giành được độc lập sau thời kỳ Liên bang Xô viết.

Khoa học công nghệ: Pakistan và Iran?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo Sun, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu được đặt nền móng từ những năm 1990 với sự giúp đỡ nhiệt tình từ một nhà khoa học được cho là thuộc chương trình bom nguyên tử của Pakistan.

Nhà khoa học này được cho là đã “đạo diễn” quá trình chuyển giao bí mật các dữ liệu kỹ thuật, máy làm giàu và ly tâm uranium cho Triều Tiên trong vài năm.

Tuy nhiên, Triều Tiên hiện nay được cho là nhận sự hỗ trợ từ một quốc gia khác để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, đó là Iran.

Một cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng tiết lộ rằng Iran vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên về công nghệ phát triển vũ khí.

Ông Fred Fleitz, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao về chính sách và các chương trình của Trung tâm Chính sách An ninh, cho biết “nhiều thông tin quan trọng” liên quan tới chương trình tên lửa mà Triều Tiên có được là nhờ vào sự giúp đỡ từ Iran.

Trong khi đó, trang mạng Wikileaks đã công bố một bức điện ngoại giao hồi tháng 2/2010 xác nhận việc Iran mua 19 tên lửa đạn đạo hiện đại của Triều Tiên. Đồng thời, một số thông tin còn nói rằng hiện có tới 300 nhà khoa học tên lửa của Iran đang hỗ trợ chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Nguồn tiền: Trung Quốc và Nga?

Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty Nga và Trung Quốc bị cho là đã rót tiền và hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Các tổ chức của Nga và Trung Quốc, bao gồm các công ty năng lượng, các nhà buôn dầu khí và than đá, các đơn vị xuất khẩu lao động và các tổ chức hỗ trợ cho việc lách lệnh trừng phạt, đều nằm trong danh sách các mục tiêu trừng phạt của Mỹ.

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên 3 công ty than của Trung Quốc vì đã nhập khẩu khối lượng than lớn, trị giá nửa tỷ USD từ Triều Tiên, trong 3 năm từ 2013-2016.

Bộ Tài chính Mỹ kết luận rằng các công ty này đã có các hoạt động “buôn bán, cung cấp, vận chuyển hoặc thu mua than cũng như kim loại, trực tiếp hoặc gián tiếp, với Triều Tiên và doanh thu từ các hoạt động giao thương này sẽ được sử dụng vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng”.

Vận chuyển tên lửa: Trung Quốc?

Mẫu xe tải được cho là do Trung Quốc sản xuất được Triều Tiên sử dụng để chở và phóng tên lửa trong vụ phóng hôm 4/7 (Ảnh: Reuters)
Mẫu xe tải được cho là do Trung Quốc sản xuất được Triều Tiên sử dụng để chở và phóng tên lửa trong vụ phóng hôm 4/7 (Ảnh: Reuters)

Vụ phóng tên lửa ICBM ngày 4/7 của Triều Tiên được cho là có bàn tay hỗ trợ, cả về công nghệ và chuyên môn, từ Trung Quốc, tờ Sun nhận định.

Một trong những bằng chứng được giới quan sát chỉ ra về mối liên hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc là các xe mang phóng tự hành (TEL), chuyên dùng để vận chuyển và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Những xe tải này được phát hiện lần đầu tiên tại Triều Tiên từ năm 2011.

Trung Quốc được cho là đã xuất khẩu 6 chiếc TEL cho Triều Tiên. Đây được xem là hệ thống phóng tên lửa di động và có thể khiến cho các vệ tinh gián điệp gặp khó khăn trong việc theo dõi.

Cả Triều Tiên và Trung Quốc đều nói rằng việc sử dụng loại xe tải này ở Triều Tiên chỉ nhằm mục đích vận chuyển gỗ, theo đó xe này không nằm trong danh sách các trang thiết bị quân sự bị cấm xuất khẩu sang Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các đặc điểm trên xe tải được Triều Tiên sử dụng trong các lễ duyệt binh giống hệt với chiếc xe mà Bình Nhưỡng mua lại của Trung Quốc. Ngoài ra, các xe tải này cũng được nhìn thấy sử dụng trong các hoạt động quân sự của Triều Tiên như các vụ phóng thử tên lửa.

Thành Đạt

Theo Sun

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm