1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên bất ngờ gửi thư tới Quốc hội Mỹ

(Dân trí) - Ủy ban đối ngoại của quốc hội Triều Tiên đã gửi một bức thư hiếm hoi tới Mỹ để phản đối việc Hạ viện nước này thông qua các biện pháp tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.

Quân đội Triều Tiên diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: EPA)
Quân đội Triều Tiên diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: EPA)

Theo thông tin do hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cung cấp, bức thư trên do Ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội Triều Tiên gửi đi hôm nay 12/5 và đây cũng là lần gửi thư hiếm hoi của Triều Tiên tới Mỹ. Trong thư, Bình Nhưỡng đã lên án các biện pháp trừng phạt mà Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua hồi tuần trước nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á.

Theo AP, hiện vẫn chưa rõ bức thư phản đối này được Triều Tiên gửi tới Mỹ bằng cách nào vì Washington và Bình Nhưỡng hiện không có quan hệ ngoại giao và gần như không duy trì bất kỳ kênh liên lạc chính thức nào.

Trước đó, Hạ viện Mỹ ngày 4/5 đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, thông qua dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần phải chờ Thượng viện phê chuẩn mới có thể trở thành đạo luật chính thức và được thực thi trên thực tiễn.

Dự luật mới chủ yếu nhằm vào việc giới hạn quan hệ thương mại của Triều Tiên, thắt chặt các nguồn thu chính như xuất khẩu lao động mà Bình Nhưỡng thường sử dụng để phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Theo đó, ngay cả hàng hóa mà Washington cho rằng do “lao động cưỡng bức” từ Triều Tiên sản xuất cũng có thể bị “cấm cửa” vào Mỹ.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới của Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp vận tải của Triều Tiên, cấm tàu Triều Tiên hoạt động trong vùng biển của Mỹ cũng như cập cảng Mỹ. Bên cạnh đó, lệnh cấm cũng áp dụng đối với tàu của các nước không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Triều Tiên. Cùng với đó, bất kỳ ai sử dụng “lao động cưỡng bức” do Triều Tiên gửi sang nước ngoài cũng có thể bị đưa vào tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Việc Bình Nhưỡng lên án các động thái của Mỹ không phải là chuyện hiếm gặp từ trước đến nay, nhưng Triều Tiên ít khi chuyển sự phản đối của nước này trực tiếp tới Quốc hội Mỹ. Bình Nhưỡng thường bày tỏ sự bất mãn với Washington thông qua các tuyên bố của Bộ Ngoại giao cũng như một số cơ quan khác hoặc qua các đại diện của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.

Theo ông Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, bức thư phản đối của Triều Tiên lần này là một sự kiện đáng chú ý vì nó được gửi đi bởi Ủy ban đối ngoại quốc hội - một cơ quan mới đi vào hoạt động trở lại sau quyết định tạm dừng của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 1998. Ông Koh cho rằng việc “tái sinh” ủy ban đối ngoại có thể được xem như một nỗ lực của Triều Tiên nhằm tạo ra một “cánh cửa” mới trong việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp