1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trên 30.000 người thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đã tiến hành cuộc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 quy mô lớn nhất thế giới với 30.000 tình nguyện viên tham gia, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Trên 30.000 người thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ - 1

Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ (Ảnh minh họa: Getty)

Theo CNBC, công ty Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Covid-19 từ hôm qua, 27/7. Đây là cuộc thử nghiệm vắc-xin quy mô lớn nhất thế giới hiện tại với 30.000 tình nguyện viên tham gia.

Vắc-xin được thử nghiệm là sản phẩm hợp tác giữa Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Moderna. Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là nhằm xác định hiệu quả đối phó của vắc-xin với virus SARS-CoV-2 cũng như tính an toàn đối với người được tiêm.

Tình nguyện viên sẽ không biết họ được tiêm vắc-xin thật hay phiên bản giả dược. Sau 2 mũi tiêm, các nhà khoa học sẽ theo dõi kỹ lưỡng cả 2 nhóm để đưa ra những kết luận nghiên cứu cần thiết.

Theo truyền thông Mỹ, trong giai đoạn 1 thử nghiệm, vắc-xin của Moderna đã gây ra phản ứng miễn dịch ở các tình nguyện viên và nó nhìn chung là an toàn. Nó đồng thời gây ra các tác dụng phụ ở dạng nhẹ như mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau tại chỗ tiêm.

Trong giai đoạn 2, số lượng tình nguyện viên đã tham gia ở quy mô lớn hơn và vắc-xin đã được tiêm cho những nhóm người đa dạng hơn về tuổi tác và sức khỏe thể chất.

Hơn 150 ứng viên vắc-xin đang được nghiên cứu

Theo thống kê của Reuters, trên toàn thế giới, hơn 150 ứng viên vắc-xin đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau. Vắc-xin của Moderna và NIH là một trong 25 ứng viên vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, theo tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Moderna cũng là một trong những công ty được nhận hỗ trợ từ chương trình liên bang của chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy việc sáng chế ra vắc-xin Covid-19. Tổng cộng, Moderna đã được nhận gần 1 tỷ USD từ ngân sách của Mỹ để phát triển vắc-xin, theo truyền thông Mỹ.

Thông thường, sẽ mất vài năm để sáng chế ra vắc-xin mới hoàn toàn, tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới đang đạt được tốc độ nghiên cứu và phát triển kỷ lục, làm gia tăng niềm hy vọng về việc có thể tìm ra cách ngăn chặn mầm bệnh đã khiến 16,6 triệu người mắc và 656 nghìn người thiệt mạng trên toàn cầu.

Vào cùng ngày 27/7, công ty Mỹ Pfizer cũng tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm vắc-xin quy mô lớn. Pfizer đã ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với chính phủ Mỹ về việc bán vắc-xin dùng cho 50 triệu người, nếu như vắc-xin hiệu quả, theo Reuters.

Trong khi đó, Johnson and Johnson dự kiến sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 vào tuần này và có thể bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vào tháng 9.

Trên thế giới, một số vắc-xin do Trung Quốc và đại học Oxford của Anh nghiên cứu cũng đang bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối nhưng ở quy mô nhỏ hơn.