1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các công ty Mỹ "tăng tốc" phát triển vắc-xin chống Covid-19

(Dân trí) - Một công ty công nghệ sinh học tại Mỹ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người mẫu vắc-xin phòng chống Covid-19 đầu tiên vào cuối tuần trước.

Các công ty Mỹ tăng tốc phát triển vắc-xin chống Covid-19 - 1

Một nhà nghiên cứu đang làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: SCMP)

Moderna, một công ty công nghệ sinh học ít được biết đến ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ), đầu tuần trước đã bắt đầu các thử nghiệm liều cao trên 45 người trưởng thành từ 18-55 tuổi. Đây là một bước trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đánh giá mẫu vắc-xin mRNA-1273 mà công ty này đang phát triển.

Khi được hỏi về mốc thời gian của vắc-xin Covid-19, Peter Marks, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá dinh học của Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ, cuối tuần trước cho biết: “Nếu mọi thứ hoạt động hoàn hảo: trong 9 tháng đến một năm chúng ta sẽ có một loại vắc-xin. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi vẫn đang xem xét từ 12 đến 18 tháng”.

 Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA), một cơ quan thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh của Mỹ, đã cấp 3 khoản tài trợ phát triển vắc-xin cho hai công ty lớn trong ngành là Johnson & Johnson, Sanofi Pasteur và Moderna, một công ty công nghệ sinh học nhỏ. Đến thời điểm này, Moderna là công ty đã tạo ra mẫu vắc-xin sớm thử nghiệm trên người đầu tiên.

Phát triển vắc-xin được coi là ít lợi nhuận hơn các loại thuốc khác, nên chỉ có bốn đại gia dược phẩm trong lĩnh vực này tại Mỹ: GlaxoSmithKline, Merck & Co, Sanofi và Johnson & Johnson. Các nhà phân tích cho biết chính phủ tài trợ cho các công ty công nghệ sinh học ít được biết đến là rất quan trọng vì nhiều công ty dược phẩm lớn đã từ bỏ phát triển vắc-xin. 

Tuần trước, Moderna cho hay họ đã được chính phủ tài trợ lên tới 483 triệu USD để phát triển loại vắc-xin sử dụng công nghệ phát triển dựa trên gen mRNA.

Khác với các phương pháp truyền thống, phương pháp mRNA không yêu cầu virus trong quá trình tạo ra vắc-xin. Các nhà khoa học có thể bắt đầu quá trình sử dụng trình tự bộ gen.

Công nghệ này cũng cho phép các loại vắc-xin khác nhau được phát triển bằng cách sử dụng cùng một thiết bị, thay vì phải chế tạo các thiết bị riêng biệt cho từng loại vắc-xin - tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiện Moderna đang phát triển 9 loại vắc-xin phòng chống Covid-19, trong đó mRNA-1273 là mẫu đầu tiên được thử nghiệm trên người.

Trong khoảng hai chục năm trở lại đây, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm được thành lập và tập trung vào các công nghệ sinh học đột phá như liệu pháp gen mRNA. Công ty dẫn đầu lĩnh vực này là CureVac của Đức cũng đang cố gắng phát triển vắc-xin Covid-19, sau khi nhận tài trợ gần 90 triệu USD hồi tháng trước từ Ủy ban châu Âu.

Hà Phương

Theo SCMP