1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh chấp Nargono-Karabakh: Xung đột Armenia-Azerbaijan hay 'sàn đấu' Nga-Thổ?

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những tính toán chiến lược xung quanh lãnh thổ tranh chấp Nargono-Karabakh.

Quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ còn cho thấy cuộc đọ sức giữa Ankara và Moscow trên các chiến trường khác, từ Syria cho đến Libya, nơi nào có Nga, nơi đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh chấp Nargono-Karabakh: Xung đột Armenia-Azerbaijan hay sàn đấu Nga-Thổ? - 1

Tranh chấp Nargono-Karabakh đang có dấu hiệu leo thang và sự can dự mạnh mẽ từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Các lực lượng của Armenia và Azerbaijan đang ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột dữ dội xung quanh lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hôm 4/10, Azerbaijan cáo buộc các lực lượng Armenia oanh kích thành phố lớn thứ hai của nước này, trong khi chính quyền Armenia khẳng định phải "bằng mọi giá" bảo vệ dân cư vùng ly khai Nagorno-Karabakh.

Stepanakert, thủ phủ của vùng Nagorno-Karabakh, đã bị quân đội Azerbaijan oanh kích nhiều lần trong ngày 2/10, khiến phe ly khai Karabakh có thêm 54 người chết, nâng tổng số lính tử trận lên thành 158.

Tình hình tuy đã tạm lắng trong đêm 2/10 và rạng sáng 3/10, song hôm 4/10, vùng thủ phủ này tiếp tục bị oanh kích. Có nguồn tin cho biết quân đội Azerbaijan đã tấn công vào trung tâm điện lực của thành phố khiến điện bị mất trên diện rộng. Trong khi đó, Reuters đưa tin, chính quyền Azerbaijan cáo buộc quân đội Armenia oanh kích Ganja, thành phố lớn thứ hai của nước này, đồng nghĩa với việc xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh đã có bước leo thang mới.

Trước đó, ngày 2/10, Pháp, Nga và Mỹ, ba nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk về vấn đề xung đột Nagorno-Karabakh trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tiếp tục kêu gọi Yerevan và Baku ngừng giao tranh.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần lượt điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian và Tổng thống Azerbaidjan Ilham Aliev và đề xuất “khởi động một tiến trình cho phép nối lại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ nhóm Minsk”.

Armenia muốn đình chiến, Azerbaijan đòi đối phương rút quân

Phía Armenia ngày 3/10 ghi nhận những tổn thất nặng nề và giới lãnh đạo nước này thừa nhận đất nước đang đối mặt với một mối đe dọa lịch sử.

Bảy ngày sau khi xung đột bùng nổ trở lại tại tỉnh ly khai của Armenia, vốn đã rơi vào tình trạng tranh chấp trong nhiều thập kỷ, AFP dẫn nguồn Bộ Quốc phòng nước này cho biết, các lực lượng ky khai đã đẩy lùi được một cuộc tấn công ồ ạt từ Azerbaijan.

Shushan Stepanyan, phát ngôn viên bộ trên cho biết, các tay súng ly khai do Armenia hậu thuận ở Karabakh đã phá hủy một “cụm quân sự lớn” của các lực lượng Azerbaijan, song cũng ghi nhận thêm 51 chiến binh thiệt mạng trong tổng số trên 240 người thương vong ở cả hai phía sau gần một tuần giao tranh.

Trong một bài phát biểu trước toàn quốc, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói: “Chúng ta có thể đang phải đối mặt với thời khắc quyết định nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ của mình. Chúng ta phải dốc hết sức lực vì một mục tiêu duy nhất là chiến thắng”.

Bộ Ngoại giao Armenia dẫn thông báo cho biết quốc gia này sẽ “bằng mọi cách” bảo vệ cư dân tại vùng ly khai, vốn đang là mục tiêu tấn công của quân đội Azerbaijan và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, về mặt chính thức, quân đội Armenia không tham chiến tại vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Thủ tướng Armenia nhấn mạnh là cuộc xung đột hiện nay là “cuộc chiến mang tính quốc gia”.

Trước những diễn biến phức tạp và con số thương vong ngày càng gia tăng, Armenia muốn đàm phán đình chiến, dưới sự bảo trợ của OSCE, trong khi đó, Azerbaijan mong muốn Armenia rút quân.

AFP dẫn tuyên bố của Armenia ngày 2/10 cho biết nước này “sẵn sàng hợp tác” với các nhà trung gian, nhưng Azerbaijan nhấn mạnh rằng các lực lượng Armenia phải rút quân hoàn toàn trước khi một lệnh ngừng bắn có thể được ký kết.

Đại sứ Azerbaijan tại Pháp cho rằng giải pháp duy nhất là Armenia phải rút quân khỏi vùng ly khai nằm trên lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số dân cư là người Armenia.

Trước đó, Tổng thống Azerbaijan từng khẳng định sẽ không có chuyện đàm phán với Armenia nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bác bỏ đề xuất của 3 cường quốc Pháp, Mỹ và Nga.

Nơi nào có Ankara, nơi đó có Moscow

Báo Pháp Le Monde cho biết, trong bối cảnh chiến sự ở vùng Nagorno-Karabakh ngày càng sôi sục, "lò lửa" giữa hai nước Armenia và Azerbaijan tại Kavkaz cũng là nơi mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh nhau, khi bên thì muốn duy trì nguyên trạng, bên muốn phát huy ảnh hưởng.

Vùng Nagorno-Karabakh trở thành vấn đề mới gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tối 30/9, hai bên “đồng ý hợp tác gây sức ép để các bên đi đến ngừng bắn” và cũng theo ông Putin, Moscow sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, có thể, mục tiêu chiến lược thực sự của Ankara là dùng quân sự để “đẩy Nga” ra khỏi khu vực.

Sự can thiệp của Ankara vào cuộc chiến, ngoài lý do chính trị, chinh phục cử tri đang mất dần niềm tin vào đảng AKP cầm quyền, còn nhằm mục tiêu kinh tế. Khi tuyên bố sẵn sàng giúp Baku, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn vào đường ống dẫn dầu nối liền Azerbaijan, Gruzia đến thành phố Ceyhan của mình. Đây là “vấn đề sinh tử” - như tuyên bố của một quan chức cao cấp trong Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ với báo giới.

Mục tiêu sâu xa hơn nữa, theo chuyên gia quốc tế Richard Giragosian, sau Syria, Libya và gần đây nhất là Địa Trung Hải, Tổng thống Erdogan xem vùng Kavkaz là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nới rộng ảnh hưởng. Quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ còn cho thấy cuộc đọ sức giữa Ankara và Moscow trên các chiến trường khác, từ Syria cho đến Libya, nơi nào có Nga, nơi đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo chuyên gia Richard Giragosian, đối tượng của Ankara không phải là Armenia. Tổng thống Erdogan muốn lợi dụng chiến tranh ở Nagorno-Karabakh để giành lại vai trò “cố vấn quân sự và nguồn cung cấp vũ khí” số một cho Baku. Nói cách khác, đây là cuộc tranh giành thế lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh