(Dân trí) - Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận nguy cơ Covid-19 lây truyền qua không khí nhưng bằng chứng về khả năng lây truyền hiện chưa rõ ràng và vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan tới vấn đề này.
Tranh cãi Covid-19 lây qua không khí
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận nguy cơ Covid-19 lây truyền qua không khí nhưng bằng chứng về khả năng lây truyền hiện chưa rõ ràng và vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan tới vấn đề này.
Lỗ hổng ngay từ khi dịch bùng phát?
Tại Brisbane, vùng duyên hải phía đông Australia, quê nhà của Lidia Morawska, một nhà khoa học nghiên cứu khí dung (aerosol), dọc đường đi có những biển hiệu với thông điệp rất ngắn gọn: "Rửa tay để bảo vệ tính mạng".
Morawska cho biết, cô không phản đối khẩu hiệu này bởi "rửa tay luôn là một thói quen tốt" kể cả khi không phải trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Queensland này cho rằng, khẩu hiệu đó giờ đây có đôi chút lạc hậu.
Trong tuần này, Morawska và Donald Milton, một nhà khoa học khí dung khác đến từ Đại học Maryland, College Park, đã cùng với 237 nhà khoa học khác ở nhiều nước trên thế giới đã viết một lá thư mở đăng tải trên tạp chí y khoa về bệnh truyền nhiễm, kêu gọi cộng đồng y tế công nhận nguy cơ lây truyền của virus SARS-CoV-2 qua các hạt khí dung lơ lửng trong không khí. Họ cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và bản thân mỗi cá nhân có các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua con đường này.
Đáp lại kêu gọi trên, giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/7 công nhận "đang có các bằng chứng nổi lên" cho thấy nguy cơ lây truyền của SARS-CoV-2 qua không khí hay qua các hạt khí dung siêu nhỏ, song cũng nhấn mạnh “cần tập hợp chứng cứ và làm sáng tỏ”.
Động thái này của WHO khiến cô Morawska cảm thấy nhẹ nhõm hơn, dù có phần ngạc nhiên bởi nhiều tháng qua WHO bác bỏ những cảnh báo về nguy cơ lây lan Covid-19 qua không khí. WHO cho rằng, con đường lây lan chủ yếu của Covid-19 là qua các bề mặt hay các giọt bắn có kích thước lớn hơn hạt khí dung sản sinh ra khi người mang virus SARS-CoV-2 ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này được cho là chỉ bay được một khoảng cách ngắn và không lơ lửng lâu trong không khí. Khuyến cáo dựa trên nhận thức đó đã cản trở những nỗ lực của thế giới nhằm ngăn nguy cơ lây truyền của Covid-19 qua không khí bằng các biện pháp như cải thiện mức độ thông gió trong các không gian khép kín hay hạn chế các hoạt động trong không gian chật hẹp khép kín.
“Chúng tôi lo ngại rằng việc thiếu nhận thức về nguy cơ lây truyền Covid-19 qua không khí và thiếu những khuyến nghị rõ ràng về các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn nguy cơ này kéo theo những hệ quả nghiêm trọng: Mọi người có thể nghĩ rằng họ an toàn tuyệt đối khi tuân thủ các khuyến cáo hiện thời, song thực tế họ phải lưu ý thêm cả nguy cơ lây truyền qua không khí để giảm hơn nữa nguy cơ lây nhiễm”, các nhà khoa học cho biết trong bức thư.
Điều này đặc biệt quan trọng khi hiện giờ các chính phủ bắt đầu nới lỏng phong tỏa, mở cửa kinh tế trở lại. “Để kiểm soát đại dịch, chúng ta cần kiểm soát tất cả con đường lây lan của nó”, cô Morawska nói. Cô cũng nhấn mạnh: “Khi WHO nói virus có thể lây lan qua không khí, thì khi đó tất cả các cơ quan ở cấp quốc gia sẽ coi đó là đánh giá tiêu chuẩn”.
Còn nhiều tranh cãi
Khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ cuối năm 2019, giới khoa học vẫn cho rằng cơ chế lây truyền của nó giống các virus gây bệnh hô hấp khác và nguy cơ lây truyền qua không khí là rất thấp. Do đó, lập luận của một số nhà khoa học cho rằng Covid-19 lây lan qua không khí đã gây nhiều tranh cãi.
Kể từ những năm 1930, các nhà nghiên cứu y khoa và giới y tế không quan tâm đến vai trò của các hạt khí dung - những giọt bắn có đường kính chưa đầy 5 micromet - ở các bênh hô hấp như cúm mùa. Thay vào đó, họ chỉ quan tâm đến các giọt bắn có kích thước lớn hơn bám vào các bề mặt hoặc qua tiếp xúc gần. Các giọt bắn này có thể di chuyển khoảng 2m trong không khí khi người mang mầm bệnh Covid-19 ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Đó là căn cứ khiến các tổ chức y tế đưa ra khuyến cáo giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thường xuyên rửa tay để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Một số nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế thậm chí cho rằng, những biện pháp này là đủ để ngăn ngừa Covid-19.
Kate Grabowski, một chuyên gia dịch tễ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Các tiếp xúc rủi ro cao nhất là những tiếp xúc giữa các cá nhân sống cùng nhà, hoặc trong một không gian khép kín trong một thời gian dài. Điều đó khiến tôi tin rằng Covid-19 chủ yếu lây lan qua giọt bắn”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng nguy cơ lây lan qua các hạt khí dung trong không khí cũng có thể xảy ra trong một số trường hợp. Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết, các nghiên cứu đối với các trường hợp siêu lây nhiễm cho thấy nguy cơ lây lan qua không khí của Covid-19.
Khi truyền thông bắt đầu đưa tin về các trường hợp một nhóm người mắc Covid-19 sau khi cùng tham gia một sự kiện trong nhà, Kim Prather, một nhà khoa học về aerosol tại Đại học California (Mỹ) bắt đầu hoài nghi liệu khuyến cáo giãn cách xã hội (giữ khoảng cách khoảng 2m ở nơi công cộng) mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra đã đủ để ngăn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hay chưa. Tình trạng lây lan Covid-19 tại các sự kiện trong không gian khép kín cho thấy cách thức lây lan đó của Covid-19 có thể không giống với giả định của giới y tế.
Các nhà khoa học đã lấy ví dụ, các hạt khí dung mang virus SARS-CoV-2 từ luồng khí của một điều hòa không khí ở một nhà hàng tại Quảng Châu, Trung Quốc có thể là “thủ phạm” khiến 10 thực khách thuộc 3 gia đình khác nhau mắc Covid-19, trong khi những người ngồi gần các điều hòa không khí khác không ai bị nhiễm.
Một trường hợp khác là 8 hành khách trong số 49 người trên một xe buýt ở Hồ Nam, Trung Quốc mắc Covid-19. Một trong số các nạn nhân là hành khách ngồi cách người mắc Covid-19 gần 5m, lên và xuống xe buýt bằng một cửa khác. Điều này loại trừ khả năng lây nhiễm do tiếp xúc gần.
"Tôi tin rằng có đủ bằng chứng để lưu ý nguy cơ lây nhiễm ở các môi trường trong nhà, đặc biệt các không gian khép kín", Yang Yang, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Florida, nhận định.
Về phía các chính phủ, một số chính phủ đã bắt đầu lưu ý đến nguy cơ lây lan Covid-19 qua không khí. Hồi hang 5, Bộ Y tế Đức thông báo: “Các nghiên cứu cho thấy Covid-19 có thể lây lan qua khí dung”. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tuy không đề cập đến lây truyền Covid-19 qua không khí hay khí dung nhưng cũng cập nhật khuyến cáo trên trang chủ hôm 16/6 rằng việc tiếp xúc gần và thời gian tiếp xúc cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm.
Người phát ngôn Tổ chức Cố vấn khoa học của Anh cũng nói rằng, có bằng chứng chưa rõ ràng về nguy cơ lây lan Covid-19 qua không khí trong một số trường hợp, nhưng tổ chức này vẫn khuyến cáo ngăn ngừa dịch lây lan trong đó có cả cách thức lây qua không khí. Chính phủ Anh cũng khuyến cáo người dân thực hiện thêm một số biện pháp phòng dịch, ngoài giữ khoảng cách 2m, thì nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần, tránh tụ tập ở những nơi điều kiện thông khí kém.
Minh Phương
Theo Nature, Science