Chiến sự Nga - Ukraine
  1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu chi nhiều tiền mua năng lượng Nga hơn hỗ trợ tài chính Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các con số được thống kê cho thấy châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng giá rẻ của Nga dù đã nỗ lực cắt giảm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Châu Âu chi nhiều tiền mua năng lượng Nga hơn hỗ trợ tài chính Ukraine - 1

Một đường ống đưa khí đốt Nga sang châu Âu (Ảnh: Reuters).

Liên minh châu Âu (EU) đã chi nhiều tiền hơn để mua nhiên liệu hóa thạch của Nga so với số tiền viện trợ tài chính dành cho Ukraine, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Crea).

Crea cho biết, EU đã mua 21,9 tỷ euro dầu và khí đốt từ Nga trong năm 2024, bất chấp những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng.

Con số này cao hơn so với 18,7 tỷ euro mà EU phân bổ cho Ukraine dưới dạng viện trợ tài chính vào năm 2024, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel).

Vaibhav Raghunandan, nhà phân tích tại Crea và đồng tác giả của báo cáo, nhận định: "Việc mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga, một cách đơn giản, giống như gửi viện trợ tài chính cho Nga và tạo điều kiện cho chiến dịch quân sự của họ".

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu thương mại để ước tính giá trị nhiên liệu của Nga được bán ra toàn cầu trong năm thứ 3 của cuộc chiến, đồng thời dự báo dữ liệu cho tháng 2/2025 dựa trên số liệu nhập khẩu của tháng 1.

Trong năm 2024, EU đã chi nhiều hơn 39% cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga so với số tiền dành cho Ukraine. Con số viện trợ này chưa bao gồm hỗ trợ quân sự hay nhân đạo.

Christoph Trebesch, nhà kinh tế tại IfW Kiel, cho biết có một khoảng cách đáng kể giữa số tiền viện trợ dành cho Ukraine so với các cuộc xung đột trước đây, khi các nhà tài trợ châu Âu trung bình chỉ chi chưa đến 0,1% GDP mỗi năm để hỗ trợ Kiev.

Ông nhận xét: "Nhiều quốc gia từng hào phóng hơn trong các cuộc xung đột trước đây. Ví dụ, Đức đã huy động viện trợ nhiều hơn và nhanh hơn để hỗ trợ Kuwait vào năm 1990/91 so với những gì họ đã làm cho Ukraine trong khoảng thời gian tương tự".

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Nga đã kiếm được 242 tỷ euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu trong năm thứ ba và tổng doanh thu kể từ khi chiến sự bắt đầu "hiện đang tiến gần đến mốc 1.000 tỷ euro" khi Moscow thích nghi với các lệnh trừng phạt.

Nga thu tới 50% doanh thu thuế từ lĩnh vực dầu khí và đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng một "hạm đội bóng tối" gồm các tàu chở dầu cũ và không được bảo hiểm đầy đủ. Theo Crea, các tàu này chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 1/3 doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Tuần trước, các quan chức EU đã đồng ý với một loạt biện pháp mới nhằm nhắm vào "hạm đội bóng tối" của Nga trong vòng trừng phạt thứ 16 kể từ khi chiến sự nổ ra.

Các nhà nghiên cứu của Crea ước tính rằng doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga có thể giảm 20% nếu siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện có và khắc phục những lỗ hổng. Các biện pháp này bao gồm đóng lỗ hổng "lọc dầu", vốn cho phép châu Âu mua dầu thô của Nga sau khi đã qua chế biến tại một quốc gia khác, và hạn chế dòng chảy khí đốt qua đường ống Turkstream.

Báo cáo cũng kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu LNG, bao gồm cả từ Nga.

Jan-Eric Fähnrich, nhà phân tích khí đốt tại Rystad Energy, cho biết vai trò của LNG trong EU và Anh đã tăng mạnh kể từ khi chiến sự nổ ra, từ mức cao nhất trước xung đột là 81,3 triệu tấn vào năm 2019 lên 119 triệu tấn vào năm 2022. Ông nhận xét: "Năm ngoái, Nga đã vươn lên vị trí số 2 trong số các nước xuất khẩu LNG sang châu Âu".

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine