Thủ tướng Đức tương lai: Hậu thuẫn Ukraine, cứng rắn với Nga?
(Dân trí) - Theo các nhà phân tích, với tính cách quyết đoán và mạnh mẽ, nhà lãnh đạo bảo thủ Friedrich Merz sẽ đưa nước Đức tham gia sâu rộng hơn vào các vấn đề của châu Âu và toàn cầu.

Ứng cử viên thủ tướng Friedrich Merz phát biểu sau kết quả thăm dò ý kiến cử tri được công bố trong cuộc tổng tuyển cử năm 2025 tại Berlin ngày 23/2 (Ảnh: Reuters).
Chân dung Thủ tướng tương lai của Đức
Với kết quả ước tính đạt 29% phiếu ủng hộ, nhà lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) dự kiến sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Đức.
Năm nay 69 tuổi, ông Merz là một doanh nhân bảo thủ chưa từng giữ chức bộ trưởng và đã rời khỏi chính phủ nhiều năm trước trong cuộc chạy đua quyền lực với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông Merz sinh ra và vẫn đang sinh sống ở Sauerland, một quận phía tây nước Đức nổi tiếng với những ngọn đồi, thức ăn ngon và thiên nhiên tươi đẹp. Chính tại đây, ông lần đầu tiên được bầu vào Nghị viện châu Âu năm 1989 và sau đó là Nghị viện Đức năm 1994.
Mặc dù cùng đảng với bà Merkel nhưng ông Merz được đánh giá là một chính trị gia quyết đoán theo trường phái cũ, và trên nhiều khía cạnh, trái ngược với cựu Thủ tướng Merkel.
Trải qua nhiều chức vụ rồi tiến tới nắm giữ vị trí lãnh đạo nhóm nghị sĩ Dân chủ Thiên chúa giáo nhưng cuối cùng ông đã bị bà Merkel, một ngôi sao đang lên trong đảng, đánh bại.
Sau đó, ông Merz đã rút lui khỏi chính trường và bắt đầu sự nghiệp luật sư và làm việc trong khu vực tư nhân trước khi quay trở lại chính trường ở tuổi 63.
Tiểu sử hoạt động kinh doanh của ông Merz đã thu hút nhiều cử tri trong bối cảnh nền chính trị Đức rơi vào khó khăn có một phần nguyên nhân do tình trạng trì trệ tại một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nghề luật sư và vận động hành lang đã giúp ông Merz trở nên giàu có. Năm 2018, ông Merz đã quyết định quay trở lại chính trường với tuyên bố có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD bằng cách đưa đảng của ông tiến lại gần hơn với các vấn đề nổi cộm như di cư và tội phạm.
Ông Merz tham gia trở lại Quốc hội năm 2021 và sau 2 lần thất bại đã giành được quyền lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) vào năm 2022.
Bằng nỗ lực của mình, ông Merz đã tập hợp được sự đoàn kết trong đảng CDU và chuyển sang lập trường bảo thủ mang tính truyền thống hơn so với xu hướng thiên tả của bà Merkel.
Kinh nghiệm kinh doanh của ông Merz được coi là một thế mạnh và ông cam kết sẽ khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế Đức.

Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz (giữa) phát biểu trên sân khấu bên cạnh Thủ hiến bang Bavaria kiêm lãnh đạo Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Markus Soeder (trái) (Ảnh: Reuters).
Chính sách đối ngoại: Ủng hộ Ukraine, cứng rắn với Nga?
Trên cương vị thủ tướng tương lai, lại là một người bảo thủ theo trường phái muốn thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ông Merz được nhìn nhận sẽ là chính trị gia phù hợp hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump so với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz.
Ông Merz cũng được kỳ vọng sẽ lãnh đạo một chính sách đối ngoại phù hợp hơn với ý tưởng của ông Trump về việc châu Âu tự chịu trách nhiệm trong vấn đề quốc phòng.
Tuy nhiên, là người quyết đoán và thẳng thắn, ông Merz đã phản đối mạnh mẽ những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump liên quan tới tình hình Ukraine.
Theo các nhà phân tích, với tính cách táo bạo và mạnh mẽ, ông Merz sẽ đưa Đức tham gia sâu rộng hơn vào các vấn đề của châu Âu và toàn cầu.
Ông Merzcam kết sẽ tạo lập một vai trò nổi bật hơn cho nước Đức trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bên cạnh việc theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Pháp và Ba Lan.
Ngoài ra, ông Merz được cho là sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc cũng như thẳng thắn hơn trong việc hậu thuẫn cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga khi tuyên bố sẽ cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức.
Ông Merz từng cảnh báo Thủ tướng Scholz không nên áp dụng "chính sách xoa dịu" đối với Nga. Đức là nước cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ hai cho Ukraine và ông Merz là người nhiệt thành ủng hộ chủ trương này.
Ông Merz đã cam kết Đức sẽ đáp ứng và vượt mục tiêu hiện tại của NATO là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quân đội trong dài hạn.