Những trở ngại ngăn đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine
(Dân trí) - Hơn 2 năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết, triển vọng hòa đàm tiếp tục mờ mịt.
Báo Kyiv Independent đã phân tích những lý do chính khiến Nga và Ukraine khó ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Rào cản bởi Hiến pháp Nga và Ukraine
Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014. Tới tháng 9/2022, Moscow tiếp tục tuyên bố sáp nhập Donetsk, Lugansk (Donbass), Kherson và Zaporizhia bất chấp sự phản đối của chính quyền Kiev. Hiến pháp Nga cũng đã được thay đổi theo vùng lãnh thổ mới. Như vậy, không kể đến luật pháp quốc tế, các vùng đất này đã được quy định trong luật pháp liên bang và cơ cấu nhà nước của Nga.
Tương tự, Hiến pháp Ukraine cũng chắc chắn sẽ không cho phép họ từ bỏ vùng đất này. Thậm chí, các đề xuất về tình trạng đặc biệt tạm thời tại Donbass cũng đã không được quốc hội Ukraine thông qua.
Các phe cực hữu trong nước
Các nhóm cực hữu tồn tại trong bộ máy chính trị và xã hội tại cả Nga và Ukraine. Họ phản đối mọi sự thỏa hiệp chính trị và quân sự với đối phương.
Bất chấp mọi tổn thất mà quốc gia phải gánh chịu trong trận chiến, các phe phái này cho rằng mọi hành động thỏa hiệp với đối phương đều bị coi là phản quốc. Đây là một trong những thách thức lớn mà chính quyền Moscow lẫn Kiev phải hóa giải nếu muốn tính đến việc đàm phán hòa bình.
Khúc mắc xoay quanh bán đảo Crimea
Bán đảo Crimea tạo ra một thế lưỡng nan về chiến lược cho Điện Kremlin. Nếu muốn cuộc xung đột kết thúc, có khả năng Moscow sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát bán đảo, nơi được xem là hạt nhân chính trị trong chiến lược của Nga, đồng thời là nơi neo đậu của Hạm đội Biển Đen. Nếu cố gắng giữ vùng lãnh thổ biệt lập này, cách xa các vùng đất khác mà họ kiểm soát, Nga sẽ phải hy sinh lợi thế về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, bán đảo Crimea không phải là một công cụ thỏa hiệp tiềm năng. Trong các cuộc đàm phán, khu vực này được xem là một phần của vấn đề chứ không phải là phương tiện để giải quyết vấn đề.
Ukraine chưa tạo đủ sức ép quân sự với Nga
Theo ý kiến từ giới quân sự, Kiev buộc phải giành được một phần ưu thế tương đối trước khi có ý định bước vào vòng đàm phán với Moscow. Chỉ những cú sốc về mặt quân sự mới có thể giữ chân người Nga tại ván bài thỏa hiệp.
Thuyết xung đột chín muồi trong quan hệ quốc tế đưa ra quan điểm đến một thời điểm nào đó, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Vậy nên, áp dụng vào cục diện chiến sự thực tế, Kiev sẽ cần phải đợi cho đến khi Moscow chịu đủ áp lực để chấp thuận khởi động tiến trình đàm phán, và đó là đàm phán về một hiệp định bền vững chứ không mang tính thỏa hiệp như Thỏa thuận Minsk.
Sự hỗ trợ của các đồng minh là điều kiện tiên quyết để có thể duy trì cho lực lượng Ukraine đi tới mục tiêu này. Có thể nói, một Kiev vững vàng trên mặt trận quân sự sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục Moscow đàm phán ngừng bắn.