Tổng thống Trump "đánh đố" thế giới với tư duy vượt ngoài khuôn khổ
(Dân trí) - Những quyết định, phát ngôn bất ngờ, khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần qua làm chấn động thế giới, khiến các bên nỗ lực giải mã.
Trong những tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những gợi ý rất khác biệt, vượt ngoài kỳ vọng để giải quyết các vấn đề nan giải. Nhưng theo AFP, có một câu hỏi được đặt ra sau một số phát ngôn của Tổng thống Mỹ là: "Ông có thực sự nghiêm túc không?".
Các nhà phân tích, chuyên gia, chính phủ các nước thường cảm thấy bối rối trước những đề xuất khó tin của ông chủ Nhà Trắng. Họ tự hỏi liệu ông có thực sự nghĩ như vậy, chỉ đang nâng cao vị thế đàm phán, hay đơn giản là muốn đánh lạc hướng dư luận.
"Phần lớn những gì Tổng thống Trump nói là cường điệu, chiến thuật đàm phán khôn khéo, nhưng đồng thời cũng có phần nghiêm túc", Peter Loge, Giám đốc Trường Truyền thông tại Đại học George Washington, nói với AFP.
"Khi ông ấy nói những điều có vẻ phi lý mà không thành hiện thực, ông ấy sẽ xem đó như một trò đùa hoặc một chiến lược đàm phán. Nhưng khi có một kế hoạch nào đó thành công, ông ấy sẽ tuyên bố mình là một thiên tài", ông Loge nhận định.
Ông Trump thường khiến người khác phải "đoán già, đoán non" về ý định thực sự của mình.
Một bài phân tích nổi tiếng về ông Trump năm 2016 của nhà báo Salena Zito đã nêu rõ sự khó khăn trong việc hiểu một chính trị gia như ông. Những tuyên bố khó lường đã trở thành thương hiệu của ông Trump.
Vào năm 2020, ông từng gây tranh cãi khi đề xuất tiêm chất khử trùng để chữa Covid-19, hoặc sử dụng một dạng ánh sáng khử trùng bên trong cơ thể con người.
Trước khi nhậm chức vào tháng 1, ông cũng tuyên bố có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine chỉ trong 24 giờ.
Gần đây hơn, ông khiến cả thế giới bất ngờ khi bất ngờ đề cập đến việc sáp nhập Canada, Greenland và kiểm soát kênh đào Panama.
Đôi khi, việc không xem xét nghiêm túc những phát ngôn của ông Trump có thể là một sai lầm. Nhiều người đã không còn đặt nhiều kỳ vọng vào ông sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, nhưng cuối cùng họ lại thấy ông quay trở lại đầy mạnh mẽ.
Nhiều người cũng nghi ngờ liệu ông có thực hiện chương trình nghị sự cánh hữu quyết liệt mà ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024 hay không hay chỉ để hút phiếu bầu. Sau đó, trong chưa đầy 2 tuần, ông ký loạt sắc lệnh hành pháp gây chấn động chính trường Mỹ và thế giới.
Trong khi đó, đề xuất về Gaza lại tiến xa hơn về mức độ khó lường. Ngày 4/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mỉm cười ca ngợi ông Trump vì "tư duy ngoài khuôn khổ".
"Ông nói những điều mà người khác không dám nói. Và sau khi mọi người há hốc miệng kinh ngạc, họ sẽ ngẫm nghĩ và nói rằng ông ấy đã nói đúng", ông Netanyahu nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều chiến lược khác nhau đằng sau những tuyên bố gây sốc của ông Trump. Đôi khi, đó là cách để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề chính trị cấp bách hơn.
Mirette Mabrouk, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, cho rằng những tuyên bố gần đây của ông Trump có thể nhằm đánh lạc hướng việc ông chưa thực hiện được lời hứa giúp Mỹ giảm lạm phát.
Tuy nhiên, ở những thời điểm khác, ông Trump, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" (1987), dường như sử dụng chiến thuật này như một công cụ thương lượng.
Chiến thuật này được ông Trump áp dụng khi cảnh báo áp thuế 25% đối với Mexico và Canada, sau đó hoãn lại khi 2 nước đồng ý tăng cường an ninh biên giới.
Xuất thân là một ông trùm bất động sản có lẽ cũng giúp giải thích phần nào cách tiếp cận của ông Trump. Các kế hoạch của ông về Gaza, Greenland và Panama nghe có vẻ giống như những thương vụ bất động sản khổng lồ.
Năm 2024, ông Trump mô tả Gaza như "Monaco", trong khi con rể ông, Jared Kushner, gợi ý rằng các bên có thể "giải phóng mặt bằng Gaza để khai thác bất động sản ven biển".
Trở lại những năm 1980, khi vẫn còn là một nhà phát triển bất động sản, ông Trump từng nghĩ đến việc tranh cử tổng thống. Khi đó, tuyên bố của ông ít được quan tâm. Tuy nhiên, sau vài chục năm, ông đã vào Nhà Trắng không chỉ 1 mà là 2 lần.