Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán về chiến dịch quân sự tại Ukraine
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán để đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thông qua biện pháp hòa bình.
"Tổng thống Putin đã, đang và sẽ sẵn sàng cởi mở với bất kỳ kênh tiếp xúc nào nhằm đạt được các mục tiêu của chúng tôi bằng các biện pháp hòa bình. Nếu có thể, điều đó sẽ tốt hơn", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong chương trình truyền hình "Moscow. The Kremlin. Putin" trên kênh Rossiya-1 hôm 3/6.
Tuy nhiên, theo ông Peskov, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu khác không cho Nga lựa chọn khác vào lúc này.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Pháp không thể đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, vì nước này trên thực tế là một bên tham gia cuộc xung đột.
"Pháp khó có thể được xem là một quốc gia trung lập với khả năng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải như Brazil, Trung Quốc hoặc các quốc gia châu Phi. Pháp không có khả năng làm được điều này vì Pháp là một bên tham gia tích cực trong cuộc xung đột và đứng về phía Ukraine", ông Peskov bình luận về đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine tại Paris.
Ông Peskov nhấn mạnh, Nga hiểu rõ lập trường của mình và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho đến khi đạt được mọi mục tiêu đề ra. "Chúng tôi phải hoàn thành những gì đang làm. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", ông nhấn mạnh.
"Trong nhiều năm, các nước phương Tây đã phớt lờ các cuộc pháo kích vào vùng Donbass, ngay cả khi không có chiến dịch quân sự đặc biệt nào", ông Peskov nói khi bình luận về sự im lặng của phương Tây đối với các cuộc pháo kích mà Nga cáo buộc do Ukraine tiến hành nhằm vào khu vực biên giới Belgorod của Nga.
Ông Peskov cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí mới cho Ukraine sẽ khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.
"Chúng tôi đã bắt đầu chứng kiến các cuộc thảo luận về việc Pháp và Đức chuyển giao cho Ukraine những loại tên lửa có tầm bắn từ 500km trở lên. Đây là một loại vũ khí hoàn toàn khác biệt và nó sẽ dẫn đến một vòng xoáy căng thẳng sâu hơn", người phát ngôn Điện Kremlin nói.
Tháng trước, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine. Trong khi đó, Ukraine đề nghị Đức viện trợ tên lửa hành trình Taurus. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay, Pháp sẽ cấp cho Kiev loại tên lửa có thể hỗ trợ họ tiến hành cuộc phản công được dự đoán lâu nay.
Nga nhiều lần chỉ trích phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời cảnh báo các thành viên NATO đã trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine. Moscow tuyên bố, Nga coi những vũ khí này là mục tiêu tấn công thích đáng.
Ukraine nhiều lần tuyên bố, bất cứ kế hoạch hòa giải nào phải bao gồm việc khôi phục toàn bộ chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Nga nói, họ không thấy triển vọng chấm dứt xung đột khi Tổng thống Ukraine ra luật cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, do vậy, Moscow không còn lựa chọn nào ngoài biện pháp quân sự.