1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin ra quyết định về đòn đáp trả cuộc đột kích của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Mỹ tuyên bố, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra quyết định về phản ứng đối với cuộc xâm nhập của Ukraine vào vùng biên giới Kursk.

Tổng thống Putin ra quyết định về đòn đáp trả cuộc đột kích của Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Tôi thành thật chia sẻ với các bạn rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định. Tôi tin chắc rằng tất cả những người chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt nặng nề vì các sự kiện ở khu vực Kursk", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói với các phóng viên hôm 23/8.

Ukraine mở chiến dịch đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga từ ngày 6/8. Sau 2 tuần, Kiev tuyên bố đã kiểm soát gần 100 khu định cư trên diện tích gần 1.300km2 lãnh thổ và bắt giữ hơn 100 tù binh Nga.

Theo Guardian, giao tranh đang diễn ra khốc liệt ở Kursk khi lực lượng tìm cách kiểm soát thêm lãnh thổ, sử dụng máy bay không người lái tự sát để đánh nổ một cầu phao sau khi phá hủy 3 cây cầu quan trọng ở Kursk.

Tổng thống Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị đáp trả thích đáng. Chủ nhân Điện Kremlin cũng nêu rõ, Nga sẽ không đàm phán khi Ukraine tấn công vào dân thường và hạ tầng dân sự, cũng như đe dọa các cơ sở hạt nhân của Nga.

Truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các tướng lĩnh đẩy lùi quân Ukraine khỏi biên giới trước ngày 1/10. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, mục tiêu chính của Moscow ở giai đoạn này là đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ Nga.

Tổng thống Putin ngày 22/8 đã họp để trao đổi về tình hình căng thẳng ở các vùng biên giới của Nga, nơi các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp diễn. Trong cuộc họp, các quyết định quan trọng đã được đưa ra để hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng và người dân tại các khu vực này.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ thành lập các nhóm quân ở các tỉnh biên giới Belgorod, Kursk và Bryansk. Thông báo cho biết, 3 cánh quân sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ công dân và vùng lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các phương tiện tấn công khác của Ukraine.

Trước đó, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga thông báo áp dụng các biện pháp chống khủng bố ở các khu vực Kursk, Bryansk và Belgorod để đảm bảo an toàn cho người dân và ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine.

Theo các biện pháp chống khủng bố, chính phủ Nga có thể di dời người dân đến khu vực an toàn, kiểm soát liên lạc qua điện thoại, hạn chế liên lạc, trưng dụng phương tiện và đình chỉ hoạt động sản xuất liên quan đến vật liệu nguy hiểm.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi đưa quân vào Nga, Ukraine đã mất tổng cộng hơn 4.700 quân nhân, 65 xe tăng, 27 xe chiến đấu bộ binh, 53 xe bọc thép chở quân, 316 xe chiến đấu bọc thép, 133 xe cơ giới, 31 đơn vị pháo binh, 5 hệ thống tên lửa phòng không, 9 hệ thống pháo phóng loạt, 6 trạm tác chiến điện tử.

Ukraine không thể đàm phán hòa bình với Nga

Ông Vitaly Ganchev, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkov, đã nói với hãng tin TASS trong một cuộc phỏng vấn rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khó có thể tham gia đàm phán hòa bình với Nga, vì phương Tây sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra.

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ không (đàm phán). Trước hết, họ không quan tâm đến lệnh ngừng bắn. Những tuyên bố lớn tiếng của họ về việc sẵn sàng đàm phán hòa bình chỉ là lời lẽ chính trị. Nhưng họ sẽ tiếp tục đưa ra những yêu cầu mà chính phủ Nga và xã hội Nga sẽ không bao giờ chấp nhận", ông Ganchev cho biết.

"Chỉ có thất bại của Nga là có thể chấp nhận được đối với họ. Do đó, họ sẽ không đồng ý đàm phán theo các điều khoản của chúng tôi. Tôi chắc chắn 100% về điều đó. Bên cạnh đó, ông Zelensky không phải là người quyết định vấn đề này. Họ sẽ không được phép đàm phán. Phương Tây rõ ràng cần một cuộc xung đột kéo dài", ông Ganchev nói thêm.

Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia ở Ukraine là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev. Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. 

Theo Tass