Tổng thống Putin nêu điều kiện cho thỏa thuận hòa bình với Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu yêu cầu để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/3.
Chiều 17/3, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nêu những yêu cầu của Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine và kết thúc cuộc xung đột kéo dài 3 tuần.
Ibrahim Kalin, người phát ngôn, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Erdogan và là một trong số ít quan chức được theo dõi cuộc điện đàm của 2 nhà lãnh đạo, đã tiết lộ các yêu cầu chính của phía Nga đối với Ukraine. Ông Kalin cho biết trong số các yêu cầu này, có một số yêu cầu dễ chấp thuận hơn đối với Ukraine.
Yêu cầu đầu tiên do Tổng thống Putin đưa ra là Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và không xin gia nhập NATO. Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 15/3 tuyên bố, Ukraine sẽ không gia nhập NATO và đây là một thực tế mà người dân Ukraine phải chấp nhận. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng thừa nhận ông không còn hứng thú với việc đưa nước này gia nhập NATO, sau khi nhận thấy NATO "chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine".
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng muốn Ukraine phải trải qua một quá trình giải giáp vũ khí để đảm bảo nước này không phải là mối đe dọa đối với Nga. Ông Putin cũng muốn Ukraine bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine và "phi phát xít hóa".
Tổng thống Putin cũng đưa ra những yêu cầu khác được cho là khó chấp thuận hơn với Ukraine, liên quan tới tình trạng của Crimea và khu vực Donbass, Đông Ukraine. Ông Putin nói rằng cần phải tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Ukraine, trước khi 2 bên có thể đạt được sự đồng thuận về các yêu cầu này.
Mặc dù ông Kalin không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng Nga được cho là yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông. Moscow cũng yêu cầu Ukraine phải chính thức chấp nhận Crimea thuộc về Nga. Đây được xem là những vấn đề khó thương lượng đối với Ukraine.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, sau khi giới chức ở đây tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 96% cử tri Crimea ủng hộ sáp nhập. Tuy vậy, phương Tây không công nhận kết quả này và cho rằng quyết định sáp nhập Crimea của Nga là bất hợp pháp.
Nga hồi tháng 2 tiếp tục công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass. Ngay sau đó, Moscow bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm mục đích phi quân sự hóa Ukraine và bảo vệ người dân ở Đông Ukraine.
Những yêu cầu trên của Tổng thống Putin từng được Nga đưa ra nhiều lần trong các tuyên bố chính thức gần đây.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/3 cho biết, Nga đã tuyên bố với phía Ukraine rằng, Moscow sẽ ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine "ngay lập tức" nếu Kiev đáp ứng các điều kiện mà Nga đưa ra. Theo ông Peskov, Ukraine cần phải sửa đổi hiến pháp, từ bỏ mọi ý định gia nhập bất cứ liên minh nào. Ukraine cũng phải công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và công nhận Donetsk và Lugansk là các nhà nước độc lập.
Ông Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin và là trưởng đoàn đàm phán của Nga, hôm 16/3 tuyên bố mục tiêu của Moscow trong các cuộc đàm phán với Kiev vẫn không thay đổi: Nga mong muốn thấy một Ukraine hòa bình, tự do, trung lập và độc lập.
"Chúng tôi cần một Ukraine hòa bình, tự do, độc lập và trung lập, không phải là thành viên của NATO hay các khối quân sự khác, mà sẽ là người bạn và láng giềng của chúng tôi. Ukraine sẽ là quốc gia mà chúng tôi phát triển quan hệ và xây dựng một tương lai chung, và Ukraine sẽ không phải là bàn đạp cho một cuộc tấn công quân sự hoặc kinh tế chống lại đất nước chúng tôi", ông Medinsky nói.