1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Obama: Có thể ngừng kế hoạch tấn công Syria

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Obama ngày 9/9 cho hay ông sẽ ngừng kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Syria, nếu nước này đồng ý đặt kho vũ khí hóa học của mình dưới sự kiểm soát của quốc tế.

Tổng thống Obama: Có thể ngừng kế hoạch tấn công Syria
Tổng thống Obama đã thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 9/9 nhằm vận động ủng hộ cho kế hoạch tấn công quân sự Syria của mình.
 

Vào ngày hôm qua, trong khi quốc hội Mỹ xem xét phê chuẩn kế hoạch tấn công quân sự Syria của ông Obama, Nga đã đề xuất Syria giao nộp quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế.

 

Tuy nhiên Tổng thống Mỹ tỏ ra nghi ngờ về viễn cảnh chính phủ Syria sẽ chấp nhận cho cộng đồng quốc tế kiểm soát kho vũ khí hóa học của mình.

 

Tổng thống Mỹ ngày 9/9 đã tham gia trả lời phỏng vấn một loạt đài truyền hình, nhằm thu hút sự ủng hộ đối với kế hoạch tấn công Syria, trong khi quốc hội đang cân nhắc và công chúng Mỹ vẫn còn tỏ ra hoài nghi. Phát biểu với hãng tin NBC, ông Obama cho rằng việc giao nộp “không phải là điều chúng ta nhận thấy qua cách họ (Syria) đã làm trong hai năm qua”.

 

Tổng thống Obama vẫn khẳng định cần phải có một cuộc tấn công có giới hạn để trừng phạt chính quyền của Tổng thống Syria Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học và để ngăn chặn hành động tái diễn.

 

“Tôi muốn đảm bảo rằng quy tắc chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học vẫn được duy trì”, ông Obama cho hay trên kênh tin ABC. “Điều đó nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta. Nếu chúng ta có thể thực hiện được quy tắc đó mà không cần tấn công quân sự, thì tôi rất rất vui mừng.”

 

Khi được hỏi liệu ông có ngừng kế hoạch tấn công, nếu ông Assad trao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học, ông Obama trả lời: “Tất nhiên, nếu điều đó thực sự xảy ra”.

 

Tỉ lệ ủng hộ cho kế hoạch tấn công tại quốc hội Mỹ vẫn khá thấp, với hơn 230/433 thành viên Hạ viện được biết phản đối hoặc chắc chắn sẽ phản đối kế hoạch tấn công, tính đến ngày thứ sáu vừa qua. Ngoài ra, các cuộc thăm dò vẫn cho thấy người Mỹ hoài nghi về khả năng tấn công Syria, với chỉ 1/5 người được hỏi ủng hộ cho kế hoạch của Obama theo như cuộc điều tra của hãng tin AP công bố vào ngày 9/9.

 

Nhiều chính trị gia và thành viên các cơ quan nhà nước khác quan ngại Mỹ sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến kéo dài nếu tấn công Syria và sẽ gây thêm thái độ thù địch với Mỹ tại khu vực.

 

Trong khi đó, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng danh sách các nước phản đối để làm bàn đạp thông qua nghị quyết tấn công Syria tại hai viện Quốc hội.

Theo thông tin mới nhất, hiện đã có thêm 14 nước và vùng lãnh thổ ký vào danh sách ủng hộ “phản ứng mạnh mẽ của quốc tế” về cái mà Nhà Trắng gọi là Syria sử dụng vũ khí hóa học. Những nước này là Đức, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Maroc, Kosovo, Albania, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Honduras, Hungary, Latvia, Litva và Romania.  Bản danh sách xuất hiện lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nga hồi tuần trước, và ban đầu chỉ có 10 nước ủng hộ. Tuy nhiên, danh sách trên không đề cập rõ ràng đến việc sử dụng vũ lực.
 
Syria, phương Tây hoan nghênh đề xuất giao vũ khí hóa học của Nga
 
Ngày 9/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên chuyển giao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế, đồng thời tính tới việc phá hủy số vũ khí giết người hàng loạt này và trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) để ngăn chặn nguy cơ phải hứng chịu tấn công quân sự của Mỹ.
 
Cho biết qua phiên dịch viên, Ngoại trưởng Muallem cho hay Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga và ca ngợi Nga “đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc xâm lược của Mỹ đối với chúng tôi”.
 
Đề nghị của ông Lavrov cũng lập tức nhận được phản hồi tính cực từ Liên hợp quốc, Mỹ và Pháp như một giải pháp khôn ngoan giúp tháo ngòi nổ chiến tranh đang cận kề Syria.
 
“Mỹ sẽ xem xét kỹ càng đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken tuyên bố.
 
Tuy nhiên, ông Blinken vẫn cho rằng Quốc hội Mỹ cần chấp thuận hành động quân sự để tăng cường sức ép với Damascus.
 
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama cùng ngày cũng nói rằng đề xuất của Nga là "một bước đi quan trọng", đồng thời hối thúc Mátxcơva tích cực hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm tháo ngòi khủng hoảng tại Syria.
 
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết đề xuất của Nga là có thể chấp nhận được với một số điều kiện như: Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đẩy nhanh tiến trình giao nộp, cho phép tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học và tất cả những việc này phải được thực hiện theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh ý tưởng của Nga, cho rằng Syria cần chấp thuận đề xuất này và cộng đồng quốc tế sẽ có "hành động rất nhanh chóng" để đảm bảo kho vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy.
 
“Tôi có thể đề xuất lập ngay các vùng giám sát ở Syria với Hội đồng bảo an”, ông  Ban Ki-moon phát biểu với báo giới.
 

Trước đó, Nga và Mỹ đã đạt được nhất trí về việc tổ chức Hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva để đưa tất cả các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng lụi tàn khi tình hình trở nên căng thẳng sau vụ tấn công hóa học ở Damascus.

Vũ Quý-Vũ Anh

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm