1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria giao nộp vũ khí hóa học: Mò kim đáy bể?

(Dân trí) - Đề xuất Syria giao nộp kho vũ khí hóa học của Nga ngày 9/9 được xem như là đốm sáng lóe lên trong đường hầm tăm tối khi hồi chuông về khả năng tấn công quân sự của Mỹ gióng lên ngày một dồn dập. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sáng kiến của Nga rất khó thực hiện, bởi nó đòi hỏi thời gian và sự hợp tác toàn diện của chính quyền Syria.

 

Nga kêu gọi Syria giao nộp vũ khí hóa học
Các chuyên gia của Liên hợp quốc kiểm tra địa điểm bị tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria vào tháng trước.

 

Các chuyên gia cho rằng, sáng kiến do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra vào ngày 9/9, theo đó kho vũ khí của Syria sẽ bị tiêu hủy dưới sự giám sát của quốc tế, là vô cùng táo bạo, bởi trước đây người ta mới chỉ thực hiện những phi vụ tương tự sau một cuộc xung đột chứ không phải là trong thời gian diễn ra xung đột.

 

Theo một báo cáo tình báo của Pháp, với hơn 1.000 tấn hóa chất, chính quyền Syria sở hữu trong tay một trong những kho vũ khí hóa học mạnh nhất thế giới.

 

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đề xuất của Nga được Syria chấp nhận, thì tiến trình di chuyển số vũ khí hóa học trên ra khỏi tầm với của Tổng thống Assad, trong khi phe nổi dậy vẫn tiếp tục tìm cách lật đổ chính quyền của ông, sẽ đặt ra rất nhiều thách thức.

 

“Thật khó có thể tưởng tượng điều đó diễn ra như thế nào giữa một cuộc nội chiến”, Daryl Kimball, giám đốc của hiệp hội kiểm soát vũ khí ở Washington, Mỹ, cho hay. “Bởi đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn về mặt kỹ thuật. Nó đòi hỏi phải xây dựng các cơ sở để tiêu hủy số vũ khí đó”, Kimball nhận định.

 

Ông cũng cho biết thêm, nhiệm vụ như vậy đòi hỏi sự có mặt lâu dài của quốc tế để giám sát. “Đó là điều bạn không muốn, khi bị pháo cối đe dọa trên đầu.”

 

Đề xuất của Nga cũng nhắc tới việc Syria sẽ phải ký vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học, buộc họ phải cung cấp mọi chi tiết về kho vũ khí của mình, động thái mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải lo ngại khi đang phải đối phó với cả thù trong và giặc ngoài.

 

Cựu thanh sát viên vũ khí Liên hợp quốc David Kay, người đã giám sát cuộc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq (nhưng chưa bao giờ tìm thấy) cho rằng việc đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí hóa học ở Syria vô cùng khó khăn, cần sự tỉ mỉ cũng như sự bảo toàn 24/24.

 

Thậm chí, trong bối cảnh hòa bình, việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học theo luật quốc tế cũng đã là tiến trình vô cùng phức tạp, tiêu tốn nhiều năm và hàng tỷ đô la, với các thanh sát viên quốc tế phải cẩn trọng tiến hành từng bước một.

 

Theo luật quốc tế, Mỹ đã chi gần 35 tỷ USD để tiêu hủy 90% kho vũ khí hóa học của mình trong hơn 2 thập niên qua. Họ đã phải xây dựng các phòng tiêu hủy đặc biệt tại các cơ sở vũ khí hóa học khắp đất nước và phải phá hủy từng quả bom, tên lửa, pháo chứa hóa chất một.

 

Theo chuyên gia về kiểm soát vũ khí Paul Walker, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Green Cross, nhiệm vụ khó khăn của Mỹ có thể sẽ không hoàn tất cho tới năm 2021.

 

Trong khi đó, kể từ những năm 1990, Nga cũng đầu tư “nặng đô” cho nỗ lực tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình. Và tới năm 2012, theo Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại The Hague, Nga mới phá hủy được 54% số vũ khí này.

 

Theo các chuyên gia, có hai cách thức chủ yếu để tiêu hủy vũ khí hóa học: đốt chúng trong lò, theo như cách người Mỹ chủ yếu dùng; hoặc trung hòa chúng bằng hóa chất khác, theo như cách mà người Nga và gần đây là Libya sử dụng.

 

Michael Luhan, người phát ngôn của OPCW, cho hay, tại Libya, 1 trong 189 nước ký công ước, giới chức trách đã dùng một “cơ sở phá hủy lưu động” để bơm hóa chất trung hòa vào các túi hóa chất cấm.

 

Ông cũng cho hay khi một nước đồng ý ký công ước, chính phủ sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết về kho vũ khí của mình, “từng kilo hóa chất và từng loại vũ khí”. Những thông tin này sẽ được dùng làm cơ sở để tiến hành tiêu hủy.

 

Nếu ông Assad đồng ý, “đó sẽ là bước ngoặt đối với Syria, thừa nhận họ có vũ khí hóa học và muốn phá hủy chúng”, Kimball cho hay. Ông cũng cho rằng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi đó chắc chắn sẽ ra nghị quyết để đảm bảo Syria thực hiện đúng cam kết của mình.

 

Phan Anh

Theo AFP