1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Obama và "canh bạc lớn" tại Syria

(Dân trí) – Khi “đá bóng” sang Quốc hội, Tổng thống Obama đã quyết định chơi “canh bạc lớn”. Một canh bạc mà ở đó ông không muốn bị mang tiếng là người phát động chiến tranh khi chưa xin phép Quốc hội, nhất là khi cuộc chiến này có thể nhấn chìm cả rốn dầu thế giới.

Obama và canh bạc lớn tại Syria
Quyết định tấn công Syria là lựa chọn khó khăn nhất đối với Tổng thống Obama kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2008.

Khi nghe Tổng thống Obama trao quyền quyết định tấn công Syria cho Quốc hội đang bị chia rẽ hôm 31/8, một tâm lý chung nổi lên là ông Obama không còn đủ tự tin trong việc tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Đối chiếu với các tối hậu thư đưa ra cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo Mỹ đã thể hiện rõ sự “xuống thang” trong việc quyết liệt thúc ép ông Assad từ chức.

Cụ thể, khi cuộc xung đột ở Syria bắt đầu nổ ra năm 2011, ông Obama tuyên bố dứt khoát: “Tổng thống al-Assad phải từ bỏ quyền lực”.

Một năm sau, năm 2012, ông chủ Nhà Trắng nói rằng: “Việc sử dụng vũ khí hóa học là hành vi vượt giới hạn đỏ và Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu điều này xảy ra”.

Đến năm nay, khi đã có trong tay những bằng chứng rành rành (theo tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry) về việc chính phủ Syria sử dụng khí độc thần kinh tấn công dân thường hôm 21/8, Tổng thống Obama chỉ nói rằng ông “sẽ xin phép các đại diện của người dân Mỹ trong Quốc hội về việc sử dụng lực lượng”. Ông Obama đã trao quyền quyết định cho các nhà lập pháp, thay vì sử dụng quyền Tổng tư lệnh tối cao phát động ngay một cuộc tấn công tức thì.

Tất nhiên, khi đưa ra thông báo trên trong khủng cảnh tuyệt đẹp tại khuôn viên vườn Hồng giữa những tiếng hô hào phản đối chiến tranh văng vẳng vọng vào từ bên ngoài, người đứng đầu chính quyền Mỹ cũng không quên nói thêm rằng ông vẫn “bảo lưu một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Syria” và vấn đề chỉ là thời gian.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc “nhờ vả” Quốc hội của Tổng thống Obama. Người thì cho rằng ông Obama đã đi nước cờ khôn ngoan khi biết lợi dụng vấn đề Syria để hàn gắn rạn nứt trong Quốc hội đang bị chia rẽ, qua đó kéo Thượng viện (do đảng Dân chủ nắm đa số) xích lại gần hơn với Hạ viện (do đảng Cộng hòa chi phối). Thực tế cho thấy có vẻ như ông Obama đã bước đầu đạt được điều này khi nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ ở lưỡng viện Quốc hội, trong đó có nhiều nhân vật chủ chốt.

Nhưng một số người khác lại cho rằng ông Obama đang tìm cách tránh đi lại vết xe của những người tiền nhiệm. Ông không muốn phát động chiến tranh khi chưa được Quốc hội gật đầu. Là người “ưa xây hơn chống”, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ muốn rời Nhà Trắng vào năm 2016 với một ấn tượng ôn hòa và khiến những người kế nhiệm sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đơn phương phát động chiến tranh nếu chưa xin phép Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, hành động này của ông Obama cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi nó đang tạo cớ cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa tìm cách dồn ông vào thế bí. Không ít nghị sĩ đối lập đã lớn tiếng chỉ trích sự thiếu quyết đoán của Tổng thống Obama, thậm chí còn cho rằng ông sẽ phải “chịu chung số phận” với Thủ tướng Anh David Cameron, người đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu yêu cầu Quốc hội cho phép hành động quân sự chống Syria. 

Theo kế hoạch, hai viện Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp trở lại vào ngày mai (9/9) với nội dung thảo luận chính trong nghị trình là tình hình Syria và đề xuất tấn công quân sự của Tổng thống Obama. Giới phân tích cho rằng nỗ lực "chia sẻ trách nhiệm" với các nhà lập pháp của Tổng thống Obama có thể dẫn tới một trong ba kết quả sau:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ “bật đèn xanh” cho kế hoạch tấn công của Tổng thống Obama, bất chấp phản đối của đa số dân chúng Mỹ (theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây). Nếu điều này xảy ra, ông Obama hầu như không còn đường lùi trong việc phát động chiến tranh, đồng nghĩa với việc ông sẽ phải từ bỏ chính sách giải quyết hòa bình xung đột và “phụ lòng” của một bộ phận không nhỏ cử tri yêu chuộng hòa bình đã bỏ phiếu cho ông.

Thứ hai, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu chống, nhưng Tổng thống Obama vẫn yêu cầu tấn công. Đây là kịch bản ít mong muốn nhất với chính quyền Tổng thống Obama vì nó sẽ vô tình trao cho các nghị sỹ đối lập cơ hội phán xét hay chỉ trích quyết định can dự vào một cuộc chiến tranh phiêu lưu khác ở Trung Đông. Thực tế nhãn tiền từ cuộc chiến tranh Iraq cho thấy, nước Mỹ có thể dễ dàng phát động tấn công nhưng phải rất khó khăn, tới hơn 10 năm, mới có thể rút chân ra khỏi cuộc chiến nay. Với chiến trường Syria cũng vậy, là nơi “tụ hội” của nhiều lực lượng vũ trang, trong đó có cả các tổ chức thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda, sự can dự của Mỹ được dự báo ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đây chính là lý do vì sao ông Obama muốn “chia lửa” với Quốc hội Mỹ trong việc ra lệnh tấn công. Ông không muốn một mình gánh vác trách nhiệm trong việc phát động thêm một cuộc chiến tranh cho nước Mỹ.

Thứ ba, Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch và Tổng thống Obama cũng không phát động chiến tranh. Đây là kịch bản được nhiều người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình mong muốn, nhưng nó cũng sẽ tiếp tục đẩy nước Mỹ vào tình cảnh chia đôi giữa một bên ủng hộ quyết định phi chiến và một bên muốn đề cao giá trị của nước Mỹ. Bên ủng hộ cho rằng Tổng thống Obama cần thể hiện sự tôn trọng cần thiết trước ý nguyện của người dân và các nhà lập pháp Mỹ, trong khi phía còn lại, chủ yếu là phe đối lập, tập trung chỉ trích sự bất lực của chính quyền. Những người phản đối cho rằng Tổng thống Obama đang làm mất đi hình ảnh vị thế siêu cường của nước Mỹ và khiến những giá trị hay lằn ranh đỏ của Washington không còn ý nghĩa.

Cho đến nay, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu chấp thuận kế hoạch tấn công Syria với tỷ lệ 10/7. Nếu Thượng viện và Hạ viện cũng thông qua kế hoạch này vào ngày mai, ông Obama sẽ có toàn quyền phát động chiến tranh trong 60 ngày và gia hạn thêm 30 ngày nếu cần thiết, nhưng không có sự tham chiến của bộ binh. Theo Thượng nghị sỹ John McCain thuộc đảng Cộng hòa, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ quyết định tấn công, sử dụng không lực sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh vốn đang nghiêng về chính quyền Assad trên thực địa.

Tại chặng dừng chân ở Thụy Điển trước khi tới St. Petersburg dự Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vừa qua, Tổng thống Obama đã hé lộ khả năng ông sẽ hành động cho dù có nhận được sự chấp thuận của cơ quan lập pháp hay không. Ông nói: "Với tư cách là người lãnh đạo đất nước, tôi có quyền và trách nhiệm phải hành động vì an ninh quốc gia. Tôi cho rằng đây là điều hiển nhiên và tôi không cần phải đợi Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, việc đệ trình Quốc hội không phải là một hành động vô bổ bởi sự hậu thuẫn của Quốc hội sẽ là một nhân tố vô cùng quan trọng (trong việc triển khai chiến dịch)".

Nếu đúng như tuyên bố trên của Tổng thống Obama, thì việc có được “thẻ bài” của Quốc hội không quan trọng bằng việc ông có quyết định “xuống lệnh” hay không. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào quyết tâm cuối cùng của Tổng thống Obama trong canh bạc mà ông nói là để trừng phạt “cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất thế kỷ 21” và sâu xa hơn là để “duy trì niềm tin” đối với các đồng minh của Mỹ, đồng thời “giữ gìn thể diện” trước Nga và các đối thủ hàng đầu của Mỹ hiện nay là Iran, Syria, Hezbollah và al-Qaeda.

Nhưng một khi chiến sự xảy ra, "giới hạn" mà chính quyền Mỹ cam kết sẽ rất khó giữ được khi "kẻ thù cũng có khả năng quyết định". Mọi phản ứng của chính phủ Syria, Iran, Hezbollah hay thậm chí là những ngón đòn giấu mặt của phe đối lập Syria đều sẽ khiến Nhà Trắng phải xem xét việc tiếp tục can thiệp. Vòng xoáy xung đột ở Trung Đông, vì thế, sẽ tiếp tục được mở rộng cả về quy mô, mức độ và thời gian tham chiến.

Đức Vũ