1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình thế mắc kẹt của Ukraine trong "vòng luẩn quẩn" chiến sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, Ukraine dường như đang bị mắc kẹt trong một tình thế khó khăn khi cuộc chiến tiêu hao với Nga chưa có hồi kết.

Tình thế mắc kẹt của Ukraine trong vòng luẩn quẩn chiến sự - 1

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 2 năm qua (Ảnh: Getty).

Chuyên gia an ninh Ukraine Oleksandr Danylyuk nói với Business Insider rằng, Kiev đang kẹt trong một cái bẫy chiến lược. Ông cho rằng, Ukraine chỉ đang cố gắng ngăn Nga đạt được đà tiến lớn trên thực địa chứ không đủ mạnh để đẩy lực lượng đối thủ ra khỏi các khu vực mà Moscow đang kiểm soát.

Kết quả là, Ukraine vướng vào cuộc chiến tiêu hao, một vòng luẩn quẩn mà họ đang chưa thể tìm thấy lối ra. Một mặt, Ukraine muốn giành lại hết lãnh thổ từ Nga, nhưng chưa đủ tiềm lực quân sự để thực hiện điều đó, mà ngược lại họ đang căng mình để chặn đà tiến của Moscow. 

Theo chuyên gia này, Ukraine chỉ còn cách phải xây dựng sức mạnh quân sự để buộc Nga phải chấp nhận phương án hòa bình của Kiev. Tuy nhiên, ông nhận định, kịch bản này khó xảy ra nếu Ukraine không có chiến lược khác thay vì cố gắng cầm cự như hiện tại.

Ông Oleksandr Danylyuk nói: "Việc thiếu một chiến lược để giành chiến thắng sẽ biến cuộc chiến này thành một cuộc chiến tiêu hao sức lực của Ukraine, điều này sẽ có lợi cho Nga".

Ông Danylyuk cho rằng, ngay cả với sự trợ giúp của phương Tây, Ukraine khó có thể sánh ngang với Nga về số lượng sức mạnh quân sự như xe tăng, pháo binh và nguồn lực con người.

"Cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc chiến với Nga với cái giá phải trả là chỉ tăng quân số một cách đối xứng là một chiến lược sai lầm, vì Nga có số lượng nhân lực dự trữ (người trong độ tuổi nhập ngũ) lớn hơn (khoảng 30 triệu người ở Nga, so với khoảng 8 triệu người ở Ukraine).

Nga có kho dự trữ vũ khí và thiết bị quân sự đáng kể được kế thừa từ Liên Xô hoặc được sản xuất từ năm 2022, cũng như tổ hợp công nghiệp quốc phòng phát triển và ngành khai thác mỏ hùng mạnh đáp ứng nhu cầu về một lượng lớn vật liệu chiến lược", ông nhận định trong một bài viết đăng trên trang web của tổ chức RUSI.

Ukraine không còn lựa chọn nào khác là nâng cao chất lượng quân đội và vũ khí, nhưng mục tiêu này không dễ thực hiện trong bối cảnh họ còn phải cố gắng chặn đà tiến của Nga mỗi ngày. 

Ông Danylyuk đổ lỗi cho những hạn chế của phương Tây đối với các loại vũ khí viện trợ trong thời gian dài. Mỹ và châu Âu từ lâu đã áp đặt hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa, như tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS, để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Chỉ gần đây Mỹ mới bắt đầu nới lỏng chính sách đó và Ukraine đã đạt được lợi thế. Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ mạnh mẽ của EU và Mỹ, Ukraine vẫn ở thế bất lợi trước cỗ máy chiến tranh Nga trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài nhiều năm.

Ông Danylyuk cũng lo lắng rằng sự khác biệt chính trị giữa Ukraine và các đồng minh đang làm suy yếu hiệu quả quân sự của Ukraine.

Ông cho rằng: "Chính phủ hiện tại của Ukraine muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ Nga kiểm soát. Mặt khác, mong muốn của Mỹ và châu Âu là một giải pháp thương lượng để có hòa bình nhưng Ukraine lo rằng Nga sẽ tận dụng điều này như là khoảng thời gian để nghỉ ngơi chiến thuật nhằm khôi phục và xây dựng năng lực quân sự để tiếp tục một cuộc chiến mới".

Kết quả là quân đội Ukraine (AFU) không rõ họ nên chuẩn bị cho loại xung đột nào. "AFU đang ở trong một tình huống cực kỳ khó khăn, vì các nhà lãnh đạo chính trị của cả Ukraine và các nước đối tác nhìn nhận những mục tiêu này theo những cách khác nhau, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của AFU trong việc phát triển và thực hiện chiến lược quân sự nhằm đạt được chúng", ông Danylyuk nhận định.

"Nếu không có một chiến lược quy mô lớn để giành chiến thắng, điều mà Ukraine có thể làm nhiều nhất là cố gắng phòng thủ trước Nga", ông nói, nhấn mạnh, nếu Kiev chỉ lập các kế hoạch riêng lẻ, họ sẽ khó đạt được chiến thắng như mong muốn từ việc cố cầm chân Nga.

Theo ông, định nghĩa "chiến thắng cho Ukraine" đang có nhiều quan điểm lệch pha nhau từ phía Kiev và đồng minh. Do Ukraine phụ thuộc vào phương Tây trong năng lực sản xuất quân sự, họ khó tự đưa ra quyết định lớn mà vẫn phải tham vấn ý kiến của đồng minh.

Theo ông Danylyuk, phương Tây có thể tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine bằng cách tập trung vào các loại vũ khí có thể đánh mạnh vào các điểm yếu của Nga, ví dụ như xuồng tự sát, UAV, tên lửa tầm xa, tên lửa phòng không để làm giảm sức mạnh không quân áp đảo của Moscow.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine