Tính năng đáng gờm trên dòng xe tăng "sát thủ" Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
(Dân trí) - Dòng tăng M-1A1 mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine dù đã qua sử dụng nhưng vẫn sở hữu uy lực đáng gờm khi có thể tấn công mục tiêu chính xác ở khoảng cách rất xa.
Lầu Năm Góc hôm 21/3 thông báo, để tăng tốc viện trợ xe tăng chủ lực Abrams cho Ukraine, Mỹ sẽ gửi xe tăng phiên bản cũ M-1A1 thay vì gửi biến thể mới hơn M-1A2 như kế hoạch ban đầu.
Mỹ lý giải, xe tăng M-1A2 sẽ cần thời gian để sản xuất phiên bản mới, vì vậy Ukraine sẽ phải chờ đợi hơn một năm nữa để nhận được vũ khí này. Phương án chuyển xe tăng cũ M-1A1 được xem là hợp lý vì sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra khốc liệt và Kiev đang chờ đợi vũ khí phương Tây để phản công lớn.
Những chiếc M-1A1 của Thủy quân lục chiến Mỹ có nhược điểm trong tác chiến hiện đại là thiếu khả năng ngắm bắn tinh vi như phiên bản mới hơn M-1A2. Để khắc phục điều này, Mỹ đã trang bị cho M-1A1 thiết bị định vị mục tiêu từ xa.
Với thiết bị này, quân nhân Ukraine chỉ cần bấm một nút, kết quả tính toán tọa độ GPS của mục tiêu xa tối đa 8km sẽ hiện ra. Kíp lái 4 người của xe tăng có thể chuyển các thông tin này tới kíp vận hành pháo để bắn đạn dẫn đường chính xác. Tất cả chỉ diễn ra nhanh chóng trong vài phút.
Theo cách tác chiến này, M-1A1 hoạt động như một "mắt thần" trinh thám - phát hiện các mục tiêu ở quá xa để xe tăng có thể bắn trúng, nhưng lại đủ gần để pháo binh công phá.
Thiết bị định vị mục tiêu từ xa (FTL) hoạt động theo cơ chế: Xạ thủ xe tăng phát hiện mục tiêu thông qua hệ thống quang học tầm xa, chiếu tia laser vào mục tiêu để xác định phạm vi, sau đó kích hoạt FTL. FTL biết xe tăng ở đâu nhờ thiết bị GPS của xe. Với dữ liệu phạm vi từ tia laser và hướng từ la bàn, sau đó nó sẽ tính toán tọa độ GPS của mục tiêu.
Trong thực chiến, FTL đã hoạt động hiệu quả. "Khả năng định vị vị trí và khả năng xác định phạm vi mục tiêu rất hữu ích. Nó rất có giá trị trong các nhiệm vụ hỏa lực và nhận thức tình hình", đại úy Thủy quân lục chiến Mỹ C.S. Roos cho biết.