1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình báo Ukraine nói về "chiến dịch tốn kém nhất" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lãnh đạo tình báo Ukraine cáo buộc Nga tổ chức một chiến dịch tốn kém nhằm gây ra chia rẽ trong nội bộ Kiev.

Tình báo Ukraine nói về chiến dịch tốn kém nhất của Nga - 1

Người đứng đầu cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov (Ảnh: USCC).

Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, cáo buộc Nga đã tổ chức chiến dịch mang tên "Maidan 3" với mục tiêu chính là gieo rắc nghi ngờ về tính hợp pháp của chính quyền Ukraine trong nội bộ đất nước.

Theo ông, đây là "chiến dịch đắt đỏ nhất của Nga", nhưng nó đã không thành công vì phía Ukraine hiểu rõ hết những gì Moscow tính toán trong đầu.

Ông cáo buộc Nga dự tính tạo ra một tình huống mà trong đó cả Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức ra quyết định ở Ukraine nói chung bị người dân nghi ngờ.

Đây không phải lần đầu tiên mà chính quyền Ukraine nói về thuật ngữ "Maidan 3".

Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga đang cố gắng gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Ukraine, tạo ra "sự hỗn loạn" trong nước.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, Nga bị cáo buộc có kế hoạch lan truyền thông tin sai lệch trong chiến dịch "Maidan 3". Maidan là quảng trường trung tâm của Kiev, từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình năm 2004 và cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

"Với họ (Nga), Maidan là cuộc đảo chính vì vậy chiến dịch lần này là có thể hiểu được", ông nói, cáo buộc mục tiêu cuối cùng của Nga là tìm cách khiến ông Zelensky mất chức.

Nga đến nay chưa bình luận về cáo buộc từ ông Zelensky, cũng như cáo buộc gần đây của ông Budanov. 

Cuộc biểu tình năm 2004 ở quảng trường Maidan diễn ra trong hòa bình và đã lật ngược thành công chiến thắng của ông Yanukovich trong cuộc đua tổng thống năm đó.

Mặt khác, cuộc biểu tình năm 2014 xảy ra khi ông Yanukovich còn đương chức, buộc ông phải rời khỏi đất nước và từ chức sau khi bạo lực bùng phát. Sau sự kiện này, 2 khu vực ở Donbass đã tuyên bố ly khai Ukraine, trong khi Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập bán đảo Crimea.

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 nhưng triển vọng đàm phán giữa 2 bên vẫn tiếp tục bế tắc. Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, 2 bên cũng đã đàm phán nhưng hoạt động này đã đình trệ hơn một năm qua do 2 nước đặt ra những điều kiện tiên quyết quá khác biệt.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Thực tế mới mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm 2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea.

Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái, trong đó có điều khoản Nga phải bồi thường cho chiến sự. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ và cho rằng kế hoạch của Kiev phi thực tế.

Ukraine thời gian qua thúc giục phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí trong bối cảnh họ đang cạn kiệt khí tài để đối phó với Nga sau hơn 2 năm giao tranh diễn ra.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine