1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tín hiệu tích cực ở Ấn Độ sau chuỗi ngày quay cuồng trong "bão" Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Dịch Covid-19 ở Ấn Độ được hy vọng sẽ hạ nhiệt khi số ca nhiễm mới trong ngày có xu hướng giảm dần và số bệnh nhân hồi phục tăng lên.

Tín hiệu tích cực ở Ấn Độ sau chuỗi ngày quay cuồng trong bão Covid-19 - 1

Người Ấn Độ được đo nhiệt độ tại ga tàu (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ ngày 28/5 ghi nhận thêm 186.364 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất tại Ấn Độ kể từ ngày 14/4.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 3.660 ca tử vong vì Covid-19.

Tính đến nay, số người mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã lên tới 27,56 triệu người, trong đó có hơn 318.000 trường hợp tử vong.

Số liệu thống kê chính thức về các ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm trong vài ngày qua. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng làn sóng Covid-19 thứ hai tại quốc gia Nam Á này đang suy yếu dần.

"Sau đỉnh điểm vào ngày 7/5, các ca nhiễm trong ngày ở Ấn Độ đã giảm xuống còn 348.421 trường hợp vào ngày 12/5. Ngày 17/5, số ca nhiễm giảm xuống dưới mốc 300.000. Các ca nhiễm trong ngày đã không vượt qua mốc 300.000 kể từ ngày 17/5", Lav Agarwal, quan chức Bộ Y tế Ấn Độ, cho biết hôm 27/5.

Ông Agarwal cũng cho biết tỷ lệ bệnh nhân hồi phục sau khi mắc Covid-19 đã tăng từ 81,8% hôm 3/5 lên 85,6% hôm 18/5 và hiện tại là 90%. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ.

Việc nhiều bang ở Ấn Độ quyết định phong tỏa hoàn toàn hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của làn sóng Covid-19 thứ hai được chứng minh là đã thành công. Maharashtra, Delhi, Chhattisgarh và Uttar Pradesh - những bang từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ - đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số ca nhiễm hàng ngày, số ca tử vong, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, trong khi gia tăng số ca phục hồi và xuất viện.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng nhiều ca nhiễm mới tới Ấn Độ không được báo cáo và đưa vào số liệu thống kê chính thức, phần lớn là do tình trạng xét nghiệm chưa đầy đủ ở khu vực nông thôn.

Theo số liệu thống kê chính thức của Reuters, số ca mắc Covid-19 ở khu vực Nam Á đã vượt 30 triệu hôm nay 28/5. Khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka chiếm 18% số ca nhiễm và gần 10% số ca tử vong toàn cầu.

Chiến dịch tiêm chủng

Trong tháng này, Ấn Độ đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, chiến dịch này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu vắc xin tại Ấn Độ, mặc dù quốc gia đông dân thứ 2 thế giới là một trong những nhà sản xuất vắc xin lớn nhất trên thế giới.

Người Ấn Độ vẫn đang được tiêm một số loại vắc xin gồm vắc xin AstraZeneca được sản xuất nội bộ tại Viện Huyết thanh Ấn Độ, vắc xin Covaxin do công ty Ấn Độ Bharat Biotech sản xuất và bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Sputnik V của Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc không đảm bảo nguồn cung vắc xin khi chỉ có khoảng 3% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số 10 quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thế giới.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu vắc xin từ tháng 3 sau khi tặng và bán hơn 66 triệu liều. Việc Ấn Độ ngừng cung cấp vắc xin đã khiến hàng loạt quốc gia gồm Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều nước ở châu Phi phải vật lộn tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Dù đã dừng xuất khẩu, song Ấn Độ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin. Một số bang, và thậm chí cả các thành phố lớn như Mumbai, đã tìm đến sự hỗ trợ của các hãng sản xuất vắc xin nước ngoài như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để đảm bảo nguồn cung vắc xin khẩn cấp.