1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thượng nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc đưa vũ khí tới đảo nhân tạo

(Dân trí) - Phát biểu trong chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/5, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ, nói rằng việc Trung Quốc đưa vũ khí tới đảo nhân tạo là vi phạm luật pháp quốc tế, gây lo ngại và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Ông McCain và các Thượng nghị sĩ Mỹ trong cuộc họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/5.
Ông McCain và các Thượng nghị sĩ Mỹ trong cuộc họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/5.

"Chúng tôi vừa nhận được thông tin về việc pháo di động giờ đây đang được đặt tại các khu vực mà chính phủ Trung Quốc bồi đắp và cải tạo. Đó là một diễn biến gây lo lắng và leo thang căng thẳng. Điều này càng cho thấy rằng Mỹ cần phải cho Trung Quốc phải hiểu rằng các hành động của họ vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ bị tất cả mọi người trên thế giới lên án", ông McCain nói trong cuộc họp báo cùng các 3 Thượng nghị sĩ Mỹ khác nhân chuyến thăm Việt Nam.

Theo ông McCain, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc cải tạo đất quy mô chưa từng thấy, không chỉ là một thách thức đối với chủ quyền của Việt Nam và các láng giềng ASEAN. Bắc Kinh cũng đang thách thức lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ và các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do.

"Với tư cách là bạn của Việt Nam và ASEAN, chúng tôi cam kết duy trì luật pháp quốc tế, điều đó có nghĩa là tự do hàng hải. Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng và giờ đây là đặt các thiết bị quân sự là vi phạm trực tiếp tất cả các nguyên tắc này. Mỹ sẽ không lùi bước trước những thách thức này. Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói hồi đầu tuần: "Mỹ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm khắp giới", Thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh.

Về quan hệ quốc phòng giữa hai nước, ông McCain cho rằng Việt Nam và Mỹ phải xích lại gần nhau hơn. Cùng với các đối tác khác trong khu vực, mục tiêu của hai bên là dỡ bỏ tất cả các trở ngại còn tồn tại nhằm bình thường hóa hợp tác an ninh song phương càng sớm càng tốt.

"Không một quốc gia nào có thể quyết định tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thay vào đó, tương lai ấy, tôi tin rằng, sẽ được định hình bởi người châu Á với kỳ vọng về ban lãnh đạo tốt, thời cơ, pháp quyền, viễn cảnh hòa bình, sự công bằng giữa tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Đó là tương lai mà Việt Nam không chỉ tham gia mà còn có thể dẫn dắt. Nước Mỹ sẽ sát cánh bên các bạn, như chúng ta đã có trong 20 năm qua", Thượng nghị sĩ Mỹ cho hay.

Ông McCain cho biết phái đoàn Thượng nghị Mỹ sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông khi tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore. "Tôi suy nghĩ tới những ngôn từ rất mạnh mẽ và cứng rắn, rằng diễn biến mới nhất về việc di chuyển thiết bị quân sự lên các khu vực cải tạo là một động thái leo thang căng thẳng mới. Chúng tôi lên án điều đó. Chúng ta đều biết rằng điều đó vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển".

Trước câu hỏi về các hành động mà Mỹ và các đồng minh khu vực có thể làm nhằm đối phó với Trung Quốc, ông McCain cho biết: "Trước tiên, chúng ta có thể đưa ra các diễn đàn quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Thứ 2, chúng ta nên hối thúc ASEAN hợp tác cùng nhau và phối hợp các hành động trên bình diện ngoại giao, kinh tế và các cách thức khác. Thứ 3, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể trợ giúp Việt Nam, Philippines và các nước khắc nhằm tăng cường các năng lực hàng hải".

Về nguy cơ xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông, ông McCain cho rằng hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, nhưng không dẫn tới xung đột quân sự.

"Có nhiều cách chúng ta có thể sử dụng để phân xử và hi vọng có thể có thể thay đổi hành động của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các khu vực cải tạo. Nhưng chúng tôi tin rằng Trung Quốc không muốn gặp phải cuộc đối đầu lớn với các quốc gia ASEAN hoặc Mỹ. Đây là một thời kỳ căng thẳng, nhưng cũng có nhiều cách để thăm dò và theo đuổi để cố gắng giải quyết vấn đề này. Và điều đó sẽ cần sự hợp tác của Trung Quốc", ông McCain nói.

Cũng phát biểu tại buổi họp báo, Thượng nghị sĩ Jack Reed cho rằng các tranh chấp chủ quyền nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, đúng luật.
 
"Tất cả các quốc gia trong khu vực phải hợp tác cùng nhau nhằm tôn trọng chủ quyền, lợi ích của các quốc gia và đảm bảo rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đều được các quốc gia tôn trọng. Đây là một nỗ lực đa phương, chứ không phải đơn phương".
 
"Các hành động của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế cơ bản. Chúng tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế sẽ sát cánh làm một và biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhất là sự đoàn kết. Việt Nam và Philippines có thể sát cánh, hỗ trợ lợi ích của nhau về dự do hàng hải, vì lợi ích của việc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Bằng việc sát cánh cùng nhau - và đó là điều tôi tin chúng ta có thể làm - chúng ta có thể phát đi một thông điệp với Trung Quốc về sự kiềm chế của họ và cũng về lợi ích của việc hợp tác thay vì hành động kiểu này", ông Reed nói.
 
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho rằng điều quan trọng là phải cho thấy các hành động của Trung Quốc sẽ khiến nước này bị các nước khác cô lập.
 
"Liệu có nước nào trong khu vực hoặc trên thế giới ủng hộ những điều Trung Quốc đang làm và nói về các hoạt động cải tạo. Tôi cho rằng câu trả lời là không. Vì vậy đây không còn là vấn đề song phương Mỹ-Trung nữa", ông Sullivan cho hay.
 
Phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do ông McCain dẫn đầu đã có chuyến thăm Việt Nam trước khi tới Singapore vào hôm nay để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng tham dự diễn đàn này.
 
An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm