Đối thoại Shangri-La: 14 năm nỗ lực vì an ninh khu vực
(Dân trí) - Sau 14 ra đời dựa trên tư vấn của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Đối thoại Shangri-La đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng với an ninh khu vực, và thu hút sự chú ý ngày một lớn từ các cường quốc thế giới.<br><a href="http://dantri.com.vn/event-2748/Bien-Dong-dot-nong-Doi-thoai-ShangriLa.htm"><b> >> Biển Đông "đốt nóng" Đối thoại Shangri-La</b></a>
Có lẽ ít ai biết rằng Đối thoại Shangri-La - hội nghị thượng đỉnh quốc phòng thường niên của khu vực, đã ra đời 14 năm trước với ý kiến tư vấn của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Năm 2001, tổng giám đốc Trung tâm quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS) John Chipman đã nảy ra một suy nghĩ rằng so với châu Âu, châu Á không có một diễn đàn về quốc phòng ngoại trừ những cuộc đối thoại song phương. Ông Chipman đã đề xuất ý tưởng này với ông Lý Quang Diệu để xin tư vấn và ông Lý đã trả lời ngắn gọn: “Hãy triển khai nó”.
14 năm sau, Đối thoại Shangri-La đã tiến một bước dài, và trong sự trưởng thành đó, dấu ấn lớn nhất của ông Lý đối với diễn đàn này cũng như an ninh khu vực chính là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của cân bằng quyền lực đối với an ninh toàn cầu, với sự coi trọng không chỉ vai trò của Mỹ và Tây Âu, mà còn cả các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga.
Ngày nay, trật tự khu vực đang được hỗ trợ bởi sự năng động về kinh tế và các tổ chức như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, Thượng đỉnh Đông Á và Đối thoại Shangri-La.
Năm 2002, ông Lý Quang Diệu trong ngày khai mạc đã phát biểu trước 160 đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La. Nhưng năm nay, số lượng đại biểu đã tăng gấp 3, lên gần 480 người.
Không chỉ các đại biểu đến từ châu Á, châu Âu giờ cũng đã ngày càng quan tâm hơn đến diễn đàn này, khi Bộ trưởng quốc phòng các nước Đức, Tây Ban Nha và Anh cũng góp mặt, cùng cao ủy liên minh châu Âu về chính sách an ninh và ngoại giao.
Bên cạnh đó, Trung Quốc từ chỗ lo ngại diễn đàn này sẽ trở thành cuộc nhóm họp do phương Tây chủ trì để chống lại nước mình, nay đã giữ vai trò lớn hơn. Cũng giống như năm ngoái, tại hội nghị năm nay, phái đoàn từ Bắc Kinh là một trong những phái đoàn lớn nhất, với 18 quan chức quân sự cấp cao và các nhà nghiên cứu do Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc dẫn đầu.
Và cho dù còn nhiều bất đồng về các vấn đề an ninh khu vực, mà nổi bật nhất là hoạt động xây đảo nhân tạo trên khu vực tranh chấp và dấu hiệu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, không ai có thể phủ nhận diễn đàn này đang giúp các quốc gia hợp tác ngày càng thực chất hơn.
Chỉ ít tháng sau những tranh cãi giữa phái đoàn Mỹ - Trung tại Đối thoại Shangri-La 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ hồi tháng 11, và chấp thuận một thỏa thuận về công nghệ, một hiệp ước ngăn chặn các vụ đụng độ quân sự tình cờ đã được ký, cũng như một kế hoạch chung để cắt giảm phát thải khí cac-bon. Và không loại trừ khả năng, những tranh luận nóng bỏng tại Đối thoại Shangri-La 2015 cũng sẽ mở đường cho những thỏa thuận mới, giúp thế giới an toàn và ổn định hơn.
Thanh Tùng
Theo ST